Khoảng cách giữa khát vọng và hành động khởi nghiệp

Thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ðiều này thể hiện quyết tâm của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) phát triển và vươn ra quốc tế.

Theo một kết quả khảo sát, trong số 60 quốc gia, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Tuy nhiên, để hiện thực các ý tưởng sáng tạo, Việt Nam lại nằm trong nhóm 20 nước đứng cuối cùng. Ðiều này cho thấy, có khoảng cách khá xa giữa ý chí và hành động cụ thể. Do đó, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để những startup Việt Nam hiện thực hóa thành công khát vọng, ước mơ của mình.

Theo thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong tổng số khoảng 3.200 startup đã đăng ký hoạt động tính đến thời điểm này, có tới 29% "chạy" được một thời gian thì hết vốn, 19% thất bại do thị trường có sự cạnh tranh lớn. Một vấn đề đáng suy nghĩ là có tới 49% số startup hoạt động lay lắt vì làm những cái mà thị trường không cần. Nhất là trong thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, các dự án, kế hoạch của startup phần lớn không còn phù hợp thực tế. Vốn ít, thị trường không dung nạp đã khiến nhiều startup có nguy cơ "chết yểu", khiến hệ sinh thái khởi nghiệp của nước ta có chiều hướng suy yếu ngay từ khởi điểm của khát vọng và hành động. Những startup Việt Nam thường là sinh viên mới ra trường, mặc dù có nhiều đam mê và hoài bão, song lại thiếu những kiến thức cơ bản về thương trường, non kém kinh nghiệm quản lý, khó khăn trong tìm kiếm khách hàng vì chưa biết ứng dụng các công cụ về ma-két-tinh tự động, công cụ quản trị bán hàng cũng như nguồn lực tài chính của mình để đưa dự án vào hoạt động. Các startup thường không có tài sản thế chấp, cho nên không dễ vay được vốn từ ngân hàng. Ðể tháo gỡ, các startup phải tìm đến sự giúp đỡ từ các quỹ bảo lãnh tín dụng, nhưng phần lớn đều "tay trắng" ra về vì một trong những nguyên tắc của các quỹ này là phải bảo toàn nguồn vốn. Với một doanh nghiệp bình thường, việc phá sản, vỡ nợ hoàn toàn có thể xảy ra, chưa nói đến các startup, do đó yêu cầu phải bảo toàn đồng vốn mới được tiếp cận vốn vay là điều quá khó đối với các startup.

Để tạo sức bật cho các startup, cần sớm có giải pháp tháo gỡ những rào cản về chính sách vốn, tạo hành lang pháp lý quy hoạch chi tiết về việc thành lập Quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo một cách rõ ràng; cũng như về các tiêu chí, cách thức để định giá được các ý tưởng khởi nghiệp. Cùng với đó, cần có cơ chế tài chính và cơ chế thuế đặc thù cho các startup mới có thể kéo gần khoảng cách giữa khát vọng với hành động khởi nghiệp, giữa ý tưởng với khả năng thành hiện thực, chỉ như vậy mới hy vọng "chắp cánh", thúc đẩy sự phát triển và thành công của startup Việt, nhanh chóng có những đóng góp thiết thực cho nền kinh tế, tạo ra sự liên kết, kết nối và nâng cao năng lực kinh doanh.