Khi lũ không về

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 30% đến 80% và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (là năm xảy ra tình trạng khô hạn khốc liệt) khoảng 33%.

Tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính sông Mê Công năm nay cũng thiếu hụt 35% đến 45% so TBNN. Thông thường, đầu tháng bảy âm lịch hằng năm, lũ trên thượng nguồn đã về, mang theo tôm cá, phù sa, tuy nhiên, năm nay, đến thời điểm này, các địa phương vùng đầu nguồn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn như trong mùa khô. Theo dự báo, phải đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 mới xuất hiện đỉnh lũ, nhưng cũng chỉ ở mức từ báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN và năm 2018. Mực nước tại các trạm thượng lưu sông Mê Công ở mức thấp hơn TBNN 2,5 đến 5,5 m, các trạm trung lưu thấp hơn 3 đến 6,2 m, hạ lưu thấp hơn 2,5 đến 5,4 m.

Lũ không về, sản xuất và đời sống của hàng triệu nông dân vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mực nước lũ thấp sẽ dẫn tới các hệ quả như phù sa ngày càng ít dần, lượng thủy sản ít, không có đủ nước ngọt để đẩy mặn ra xa và không rửa được tạp chất trong đất, làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, năng suất lúa và cây trồng khác. Nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông khu vực Nam Bộ đang hiển hiện, tình trạng xâm nhập mặn có thể diễn ra rất sớm từ những tháng đầu năm 2020.

Do nhiều nguyên nhân, như biến đổi khí hậu, việc xây dựng các hồ đập thủy điện, thủy lợi trên thượng nguồn... dẫn đến tình trạng lũ thấp, không có lũ ngày càng trở nên thường xuyên ở ĐBSCL, nhất là trong những năm khô hạn như năm nay. Chính vì vậy, để chủ động chuẩn bị phục vụ sản xuất và đời sống cả trước mắt lẫn lâu dài cho vùng ĐBSCL, các bộ, ngành chức năng và các địa phương cần sớm có giải pháp ứng phó tình trạng ĐBSCL ngày càng có nguy cơ “không còn lũ”. Cần quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành nghề một cách phù hợp, hạn chế diện tích trồng lúa và những cây trồng cần nhiều nước, chuyển đổi sang trồng những loại cây sử dụng ít nước. Tranh thủ những lúc triều cường dâng cao đẩy nước ngọt vào đồng ruộng và cần có giải pháp giữ lượng nước này ở lại. Những khu vực trũng có thể tính tới việc nạo vét cho sâu, tăng khả năng tích nước nhiều nhất có thể.

Thực tế cho thấy, sau gần 20 năm, từ khi lúa vụ ba phát triển mạnh, phần lớn diện tích sản xuất đều có đê bao khép kín không cho lũ vào. Nước về chủ yếu chảy trong sông Tiền, sông Hậu và một số nhánh sông lớn rồi chảy ra biển chứ không vào được ruộng vườn. Đến mùa khô, khi nước sông Mê Công hạ thấp thì đồng bằng không còn nước. Cho nên, các địa phương trong vùng có đê bao cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Khi lũ vào được hai vùng này, vùng phía dưới sẽ bớt ngập. Mặt khác, không còn đê bao khép kín, nước có thể vào vườn, như vậy sang mùa khô, hay những năm không có lũ đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu. Còn đối với vùng chưa có đê bao chống lũ, cần căn cứ theo dự báo mùa của cơ quan khí tượng - thủy văn để tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tránh thiệt hại cho sản xuất khi có lũ lớn hay khô hạn. Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu đã chỉ rõ sản lượng lúa không còn là ưu tiên mà chất lượng mới quan trọng, cho nên cùng với giảm diện tích trồng lúa, cần tăng cường các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm sản lượng và giá trị. Đối với vùng ven biển nên chuyển sang hệ canh tác mặn, không cố ngọt hóa để canh tác lúa...

Một vấn đề nữa cũng cần đặt ra là tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo tình hình lũ cả trước mắt và lâu dài, giúp người dân ĐBSCL có thể nắm bắt và chủ động trong sản xuất và đời sống. Ngay trong mùa lũ kiệt này cũng cần chủ động đề phòng những đợt lũ sẽ đổ về với cường suất lớn, dâng cao do xả lũ từ các hồ đập thượng nguồn, để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.