Khẩn cấp cải thiện chất lượng không khí

Thông báo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy trong hơn một tuần nay, chất lượng không khí tại các địa phương như Hà Nội, Việt Trì, Hạ Long, Huế, TP Hồ Chí Minh đều xuống thấp, đã gióng lên hồi chuông báo động về những ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người. Ðáng chú ý, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được tại Hà Nội vượt quá giới hạn cho phép hai đến ba lần, chạm ngưỡng xấu, thậm chí rất xấu.

Chất lượng không khí ở ngưỡng xấu, rất xấu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, các cơ quan chuyên môn đã phải đưa ra khuyến cáo và hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe. Theo đó, đối với người dân, cần hạn chế ra khỏi nhà, không tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường, nên sử dụng khẩu trang bảo đảm chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách; vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Ðặc biệt, đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần thực hiện các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt hơn, nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời.

Dự báo trong một vài ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức xấu. Ðiều đó cho thấy, bên cạnh việc người dân cần thực hiện tốt các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thì rất cần sự vào cuộc kịp thời và có trách nhiệm của chính quyền địa phương và các ngành chức năng; cần có những giải pháp cụ thể và thiết thực trong việc giảm tình trạng ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Nhiều chuyên gia môi trường đã chỉ rõ, chất lượng không khí Hà Nội và một số địa phương trong năm nay ô nhiễm liên tục, kéo dài chứ không còn theo đợt nữa. Do đó chính quyền các địa phương cần nghiêm túc đánh giá về các nguồn thải và tìm biện pháp khắc phục.

Tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay có một phần do hiệu ứng thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, có một phần rất lớn từ chính hoạt động của con người cho nên rất cần những giải pháp vừa trước mắt vừa lâu dài. Kinh nghiệm từ cách làm tại nhiều thành phố trên thế giới, khi chất lượng không khí suy giảm, chính quyền sẽ có các biện pháp khẩn cấp như tạm dừng hoạt động các công trường, nhà máy, hạn chế thậm chí cấm các phương tiện (chủ yếu là ô-tô) gây ô nhiễm môi trường.

Mặt khác cần thực hiện quyết liệt việc cắt giảm nguồn phát thải gây ô nhiễm (từ các nhà máy, công trường); duy trì đúng lộ trình việc hạn chế, tiến tới cấm xe máy; loại bỏ bếp than tổ ong và ngăn tình trạng đốt rơm rạ. Khẩn trương mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí và có chế độ cảnh báo chất lượng không khí phù hợp để người dân chủ động thực hiện. Ðã đến lúc các ngành liên quan (y tế, môi trường, giáo dục và đào tạo) cần phối hợp liên ngành xây dựng "kịch bản" bảo đảm sức khỏe người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh… khi chất lượng không khí không bảo đảm.