Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Đội ngũ giáo viên được coi là một trong những nhân tố quyết định để thực hiện đổi mới giáo dục thành công. Song tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở tất cả các địa phương đang đặt ra nhiều vấn đề trong xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), nhiều địa phương do tăng dân số và phát triển nhanh các khu công nghiệp cho nên thiếu nhiều giáo viên mầm non và phổ thông so với định mức quy định. Để khắc phục, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như: Dồn, dịch trường, lớp; bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên. Bộ GD và ĐT cũng chỉ đạo rà soát giáo viên theo từng môn học, cấp học gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có và thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Ngoài ra, trên cơ sở kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, các trường sư phạm cùng các địa phương rà soát nhu cầu theo từng môn học, cấp học để gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng…

Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục và nhiều trường không đủ đội ngũ để bảo đảm hết các môn học, hoạt động giáo dục, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học… Tại thời điểm tháng 10-2019, cả nước thiếu hơn 86 nghìn giáo viên. Trong đó, bậc học mầm non thiếu nhiều nhất với hơn 45.000 giáo viên; tiểu học thiếu hơn 18.800 giáo viên; THCS thiếu hơn 11.700 giáo viên; THPT thiếu hơn 10.500 giáo viên so với định mức quy định. Các địa phương thiếu nhiều giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và tiểu học, gồm: Hà Nội thiếu gần 2.400 giáo viên mầm non, hơn 3.580 giáo viên tiểu học; TP Hồ Chí Minh thiếu hơn 2.480 giáo viên mầm non, hơn 2.250 giáo viên tiểu học; Nghệ An thiếu hơn 4.800 giáo viên mầm non, hơn 1.280 giáo viên tiểu học…

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên là việc dự báo, tính toán nhu cầu chưa sát, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Mặt khác, ở nhiều địa phương đang xử lý chưa đúng giữa nhu cầu tăng giáo viên để bảo đảm định mức và chủ trương tinh giản biên chế. Bởi có những địa phương khi thực hiện mục tiêu tinh giản 10% biên chế đã thực hiện một cách máy móc, cơ học, tập trung vào cắt giảm giáo viên mà không tính toán đến yếu tố đặc điểm vùng miền, cơ cấu môn học, tiết học, cấp học và nhu cầu định mức giáo viên theo quy định. Vì vậy, mâu thuẫn giữa thực hiện yêu cầu tinh giản biên chế một cách cứng nhắc, cào bằng với nhu cầu định mức giáo viên đã ảnh hưởng đến chất lượng và yêu cầu đổi mới giáo dục.

Để khắc phục những khó khăn, mâu thuẫn nêu trên, Bộ GD và ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu giải quyết theo thẩm quyền và tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế đối với những địa phương còn thiếu giáo viên; không tinh giản biên chế giáo viên mầm non trong ba năm 2019-2021. Với những địa phương chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức quy định, trước mắt cho phép thực hiện hợp đồng lao động trong một số trường hợp cụ thể.

Dù vậy, việc các bộ, ngành đưa ra giải pháp chung để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên là chưa đủ. Điều quan trọng là việc triển khai, thực hiện ở các địa phương phải bảo đảm nghiêm túc, phù hợp thực tiễn. Trong đó, cần tránh tình trạng khi có chủ trương thì tuyển dụng, hợp đồng ồ ạt không đúng chuyên môn; trường học thiếu giáo viên môn này lại được phân bổ giáo viên môn khác về giảng dạy dẫn đến vừa thừa vừa thiếu, không bảo đảm chất lượng. Cho nên, việc tuyển dụng, hợp đồng giáo viên phải tính toán cụ thể, chi tiết phù hợp đối với từng môn học, cấp học, đặc thù vùng miền khác nhau. Đối với việc tinh giản biên chế cần dựa trên tính toán cụ thể về nhu cầu công việc chuyên môn giáo dục, tránh tình trạng cứng nhắc, cào bằng để lấy thành tích. Việc tuyển dụng hay tinh giản cần căn cứ vào số trường, số lớp, số học sinh và nhu cầu môn học cụ thể. Có như vậy mới bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng giáo viên, đáp ứng nhu cầu dạy học, đổi mới giáo dục và không mâu thuẫn với chủ trương tinh giản biên chế hiện nay…