Khắc phục bất cập khi mở rộng không gian phố đi bộ

Sau khi triển khai thí điểm trước một tuần đúng dịp Tết Dương lịch năm 2021, vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chính thức đưa vào hoạt động tám tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ, gồm: Hàng Dầu, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng và ba ngõ: Cầu Gỗ, Trung Yên, Phất Lộc. Để phục vụ việc tổ chức các tuyến phố đi bộ, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai các phương án phân luồng giao thông, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại khu vực di tích Ô Quan Chưởng, đình Kim Ngân, ngã tư phố Đinh Liệt - Gia Ngư...; đồng thời, cho phép bán hàng tại một số địa điểm để phục vụ khách tham quan. Hoạt động này sẽ khắc phục sự thiếu kết nối giữa không gian quanh hồ Hoàn Kiếm và tám tuyến phố trong khu vực bảo tồn cấp 1 của khu phố cổ - vốn đã được tổ chức thành không gian đi bộ vào cuối tuần từ năm 2016. Khách tham quan sẽ có điều kiện để khám phá, thưởng thức các giá trị văn hóa, ẩm thực, kiến trúc... của Hà Nội.

Ở tuần đầu thực hiện thí điểm, khách đến với không gian đi bộ mới khá đông. Tuy nhiên, nhiều bất cập đã xuất hiện. Không ít người sinh sống trong khu vực tám tuyến phố đi bộ mới cảm thấy bất tiện vì phải đi bộ, hoặc dắt xe máy một đoạn đường dài để về nhà. Nhiều hộ gia đình kinh doanh các mặt hàng không phù hợp cũng gặp khó khăn vì không tiếp cận được nhu cầu đa dạng của khách hàng. 

Vấn đề gây nhiều trở ngại nhất chính là sinh hoạt và việc đi lại của người dân qua khu vực này. Các phương tiện di chuyển theo hướng bắc - nam và ngược lại ít bị ảnh hưởng hơn. Nhưng các phương tiện di chuyển theo hướng đông - tây và ngược lại khi qua khu vực này gặp nhiều khó khăn. Trong đó, trục Hàng Thùng - Cầu Gỗ - Hàng Gai là trục giao thông huyết mạch từ phía đông sang phía tây thành phố. Nay, trục đường này bị “đóng lại” để tổ chức phố đi bộ, người dân buộc phải đi một quãng đường khá xa. Khi “đóng” bớt một số tuyến phố, áp lực giao thông với những tuyến đường chung quanh tăng lên, nguy cơ ùn tắc cao. 

Mặt khác, tình trạng các điểm trông, giữ xe tự phát, thu giá cao nhân dịp này cũng nở rộ. Giá trông xe máy dao động từ 10 nghìn đến 20 nghìn đồng/lượt. Giá trông ô-tô phổ biến từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng/lượt. Vào những dịp lễ, Tết, các điểm trông giữ xe còn thu giá cao hơn. Không gian đi bộ ở các tuyến phố khu vực bảo tồn cấp 1 và chung quanh hồ Hoàn Kiếm vốn bị “nạn” hàng rong hoành hành nay càng thêm phức tạp, không chỉ bán nước, quà vặt, có chỗ còn quạt thịt xiên, xúc xích khói um. Những “bệnh cũ” chưa khắc phục, trong khi đã mở rộng không gian, khiến nhiều người lo ngại những “căn bệnh” này càng trầm trọng, khi lực lượng chức năng phải dàn mỏng ra trên địa bàn rộng hơn.

Việc tổ chức thêm không gian đi bộ vào buổi tối đem lại nhiều lợi ích thiết thực, trong đó, góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển du lịch và kinh tế ban đêm của Chính phủ. Song, thực tế cho thấy, quận Hoàn Kiếm cần nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp và triển khai trên thực tế để bảo đảm giao thông, an ninh trật tự; môi trường... đồng thời kịp thời nắm bắt và xử lý các nhu cầu và vấn đề phát sinh của người dân sở tại cũng như khách du lịch. Mặt khác, việc tổ chức các không gian đi bộ cần được xem xét trên bình diện rộng hơn trên địa bàn toàn thành phố. Cũng cần nghiên cứu để gia tăng đa dạng các sản phẩm du lịch hữu ích đồng thời quảng bá giới thiệu phố nghề, di sản kiến trúc, tập tục, lối sống, sinh hoạt văn hóa, con người phố cổ Hà Nội... Các cơ quan cần cân nhắc những địa điểm nào có thể tổ chức phố đi bộ để bổ sung cho nhau, không nhất thiết chỉ tập trung khai thác tại một khu vực ở trung tâm thành phố. Hoạt động của phố đi bộ tại quận Hoàn Kiếm nói riêng cũng như bất kỳ không gian nào khác, phải bảo đảm an ninh trật tự, cân bằng lợi ích các bên thì mới có thể bảo đảm sự bền vững, để phát triển văn hóa, kinh tế về lâu dài.