Hoàn thiện pháp luật đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) diễn ra ngày càng mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tạo ra những tác động mạnh mẽ đối với mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Thời gian qua, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đặt nền tảng cho việc ứng dụng thành công các công nghệ của CMCN 4.0. Nhiều tập đoàn trong nước như FPT, Vingroup, VNPT... đã có những bước khởi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 để nhanh chóng hòa nhập xu thế phát triển công nghệ của thế giới. Các chính sách của Nhà nước cũng tập trung hỗ trợ để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng của cuộc CMCN 4.0.

Tuy nhiên, việc xây dựng pháp luật để đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 còn chậm so với những thay đổi về kinh tế, xã hội dưới tác động của cuộc cách mạng này. Trong khi các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu, chế tạo thành công cánh tay rô-bốt ứng dụng trong công nghiệp; một số doanh nghiệp đã sử dụng rô-bốt trong dây chuyền sản xuất thì vẫn chưa có quy định của pháp luật đối với rô-bốt.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, vấn đề cần đặt ra là xác định trách nhiệm pháp lý khi rô-bốt tham gia các hoạt động của đời sống, như: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi rô-bốt gây hậu quả; tiêu chuẩn, quy chuẩn của rô-bốt; đạo đức nghề nghiệp của người thiết kế để bảo đảm loại trừ những tác động tiêu cực của rô-bốt đến an ninh, an toàn, trật tự xã hội, nhất là tránh thu thập dữ liệu của người dùng, theo dõi đời tư, bí mật kinh doanh. Một số nhà khoa học cho biết, hiện nay, yêu cầu về thiết kế, chế tạo rô-bốt do bên đặt hàng là doanh nghiệp đưa ra, chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho việc phát triển, ứng dụng rô-bốt trong đời sống. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố đang triển khai các đề án về đô thị thông minh, nhưng nước ta chưa có tiêu chí đánh giá đô thị thông minh.

Thiết bị bay không người lái đã được nghiên cứu, chế tạo trong nước cũng cần sớm được tạo hành lang pháp lý, như: giới hạn hoạt động của thiết bị, quy trình cấp phép, thử nghiệm, trách nhiệm phát sinh khi thiết bị gây rủi ro.

Những tác động của cuộc CMCN 4.0 đã thúc đẩy hình thành nền kinh tế số, trong đó dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá nhất, cần được sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, chưa có quy định về khai thác cơ sở dữ liệu để vừa không xâm phạm quyền riêng tư, thông tin cá nhân, vừa phát huy được giá trị của dữ liệu, phục vụ mục đích quản lý. Năm 2018 đánh dấu sự bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam khi nước ta đứng vào tốp sáu quốc gia có thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Ðó là cơ hội để tăng trưởng vượt bậc về kinh tế, xã hội trong thời gian ngắn. Nhưng để phát triển nền kinh tế số, cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng hợp đồng thương mại điện tử trong các giao dịch; bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân người dùng; có cơ chế giải quyết tranh chấp mua, bán trên mạng...

Cuộc CMCN 4.0 tác động đến nhiều lĩnh vực, nhưng cần đánh giá lĩnh vực nào có tác động mạnh mẽ để có chính sách điều chỉnh kịp thời. Cần đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành đáp ứng được cuộc CMCN 4.0 đến đâu và nhận diện khía cạnh pháp lý của công nghệ lõi trong cuộc cách mạng này. Các trường đại học, viện nghiên cứu tập trung các chủ đề nghiên cứu mới, đóng góp tri thức về tác động của cuộc CMCN 4.0 tới các lĩnh vực đời sống.