Hoàn thiện chuẩn mực văn hóa công vụ

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ nhằm mục tiêu: nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

Đề án đề cập nội dung của văn hóa công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức ở các khía cạnh: tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống; trang phục… Đi kèm với đó là các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức...; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hằng năm; các giải pháp thực hiện văn hóa công vụ cũng như lộ trình hoàn thành.

Văn hóa công vụ được hiểu là một hệ thống những giá trị về đạo đức, trách nhiệm, kỷ luật, truyền thống, phong cách, biểu trưng, ngôn ngữ… hình thành và chi phối cách ứng xử và giao tiếp trong quá trình xây dựng và phát triển nền công vụ, có khả năng lưu truyền và có tác động tới tâm lý, hành vi của người thực thi công vụ. Đó chính là các hoạt động hằng ngày, các cách làm, thói quen, nếp nghĩ được lặp đi lặp lại trong thực thi quyền lực công của cán bộ, công chức, viên chức. Vì thế, Đề án Văn hóa công vụ được coi là cơ sở quan trọng để hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Thiếu trách nhiệm, làm chưa hết trách nhiệm, thậm chí thờ ơ, vô cảm dường như là căn bệnh kinh niên trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức cơ sở hiện nay. Vẫn còn rất nhiều lời phàn nàn đối với cán bộ, công chức trong giải quyết các thủ tục hành chính thiết thân đối với người dân, như: khai sinh, khai tử, hộ tịch, hộ khẩu, thủ tục nhà đất, xây dựng… Giám sát của HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, vẫn còn tình trạng, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử hoặc thiếu tinh thần phục vụ nhân dân tại không ít các đơn vị, bộ phận như ở xã Thạch Thán (Quốc Oai); xã Di Trạch (Hoài Đức); xã Uy Nỗ (Đông Anh); phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy); bộ phận quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải)... Dư luận đã từng phê phán nghiêm khắc vụ cán bộ phường Văn Miếu (Hà Nội) vô cảm, làm khó người dân khi xin giấy chứng tử cho người thân hồi tháng 7-2017, thế mà, mới đây, sự việc tương tự lại tái diễn (cuối tháng 12-2018) ở một phường tại tỉnh Bình Dương...

Đề án Văn hóa công vụ quy định cán bộ, công chức, viên chức không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân; trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân,... được kỳ vọng sẽ “chữa” triệt để được “căn bệnh” cửa quyền, hách dịch, thờ ơ, vô cảm, “hành” dân là “chính” của công chức cơ sở khiến dư luận xã hội bức xúc lâu nay.

Một trong các giải pháp đầu tiên của Đề án là nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi các quy định, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức nhằm tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa một cách căn cơ bài bản những vi phạm về văn hóa công vụ. Theo đó, trong năm 2019, Bộ Nội vụ phải hoàn thành nhiệm vụ này. Năm 2020, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải hoàn thành rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến văn hóa công vụ trong phạm vi thẩm quyền. Cùng với đó, trong tổ chức thực hiện Đề án, Chính phủ yêu cầu phải triển khai đồng bộ các quy định về văn hóa công vụ trong tất cả các ngành và lĩnh vực, các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Các cơ quan công quyền phải cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp; niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính tại trụ sở nhằm minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đồng thời, thanh tra công vụ phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa công vụ; cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về văn hóa công vụ phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới thực hiện được các giá trị cơ bản, cốt lõi của văn hóa công vụ là: chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, trung thực, khách quan, hiệu quả và phục vụ.

Có thể thấy, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ đã thêm một chỉ dấu về quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.