Hoàn thiện chính sách để quản lý, phát triển rừng bền vững

Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song công tác quản lý bảo vệ rừng thời gian qua có chuyển biến rõ nét, được cộng đồng xã hội quan tâm sâu sắc hơn; chủ trương xã hội hóa nghề rừng được hiện thực, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên được các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện; Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ các chủ rừng tương đối thỏa đáng. Việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã có tác động tích cực trong việc tăng giá gỗ rừng trồng; tạo động lực cho đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế gỗ rừng tự nhiên. Cơ chế, chính sách từng bước được sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới, thu hút các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. 

Tuy vậy, nhìn nhận tổng thể, hiện nay, chính sách về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, tập trung ở các nội dung chủ yếu, như: Chồng chéo, thiếu đồng bộ, chậm hướng dẫn, hướng dẫn chưa cụ thể gây cách hiểu khác nhau hoặc có hướng dẫn nhưng một số địa phương chưa thực hiện được do điều kiện khách quan... Trên thực tế, hiện nay công tác rà soát, điều chỉnh ba loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tế. Việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách tại một số địa phương còn chậm, chưa có tính đột phá; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng  chưa được quan tâm đúng mức; kiểm soát chuyển mục đích sử dụng rừng một số nơi chưa chặt chẽ, chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, nhất là diện tích rừng do UBND cấp xã đang quản lý, nhằm bảo đảm toàn bộ diện tích rừng có chủ còn chậm; việc rà soát lại diện tích trồng rừng thay thế để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra chưa đạt yêu cầu.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương có rừng để xảy ra các vụ vi phạm pháp luật về rừng. Ngoài nguyên nhân chủ quan là do ý thức, trách nhiệm của người dân, lực lượng bảo vệ rừng yếu kém còn có nguyên nhân khác nữa liên quan đến công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp. Đó là, sự phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở còn yếu để xảy ra tình trạng di dân tự do vào sống trong rừng, phá rừng. Một số địa phương, do lợi ích cục bộ đã cho phép phát triển các dự án thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn và đây là một nguyên nhân trực tiếp tàn phá rừng và hệ sinh thái, làm suy giảm độ che phủ. Việc chỉ đạo, thực hiện quy định trồng rừng thay thế chưa nghiêm, không kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh đó, những bất cập do thiếu đồng bộ trong chính sách đã gây khó khăn trong việc thực thi và tổ chức thực hiện. Trong quản lý đất đai hiện nay xuất hiện những hạn chế, trong khi việc giao rừng phải gắn với giao đất. Từ những bất cập này làm nảy sinh khó khăn trong việc giao đất, giao rừng không gắn với nguồn lực, gây chồng chéo giữa các chủ thể được giao rừng. Bất cập cũng nảy sinh từ một số chính sách chưa rõ ràng, như rừng tự nhiên những năm trước đây do người dân tự khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, nay thành rừng nhưng lại không được khai thác, sử dụng khiến đời sống người dân vốn dựa vào kinh tế rừng lại gặp nhiều khó khăn trong khi mức khoán bảo vệ rừng còn thấp. Tại một số địa phương, do kinh phí hạn hẹp nên khi chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên nhưng lại không hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng. Các quy định về khai thác rừng chưa tạo điều kiện phát huy tính tự chủ trong sản xuất, kinh doanh của chủ rừng; cơ chế chính sách hưởng lợi từ rừng còn nhiều bất cập do lệ thuộc quá nhiều vào các tiêu chuẩn kỹ thuật về quản lý theo quy định. 

Đây là những vướng mắc mà ngành lâm nghiệp cần chỉ đạo, rà soát lại toàn bộ chính sách về lâm nghiệp để xây dựng quy định chung về lĩnh vực này theo hướng đơn giản hóa, bãi bỏ các quy định chồng chéo, không phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng đất rừng hiệu quả để phát triển kinh tế rừng ổn định và bền vững...