Hỗ trợ ngành du lịch

Cách đây một tháng, ngành du lịch cả nước chuẩn bị cho "mùa" du lịch Tết Nguyên đán và Xuân Tân Sửu 2021, với hy vọng gượng dậy phần nào sau một năm thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19. Nhiều sản phẩm du lịch mới được ra mắt, nhiều chiến dịch quảng bá được thực hiện. Nhưng sự bùng phát trở lại của dịch bệnh khiến hàng loạt tua bị hủy. Ngành du lịch tiếp tục có một "mùa" thất bát.

Sau mỗi lần dịch bệnh được khống chế, ngành du lịch không thể khởi động lại như nhiều loại hình sản xuất, dịch vụ khác. Ðể thu hút khách hàng, các địa phương, các hãng lữ hành, vận chuyển… phải kích cầu bằng việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, thực hiện các chiến dịch quảng bá, khuyến mại, giảm giá… Những hoạt động này cần những khoản đầu tư khá lớn. Ðáng tiếc, cứ mỗi lần lượng khách tăng trở lại, các sản phẩm du lịch mới vừa được khai thác thì dịch bệnh lại "tái xuất". Tiền đầu tư, công sức để thực hiện các chiến dịch kích cầu trở thành công cốc. Thí dụ sau khi khống chế làn sóng dịch thứ nhất thành công, hoạt động du lịch nội địa mới sôi động trở lại trong khoảng hai tháng, thì cuối tháng 7-2020, dịch bệnh xuất hiện với tâm dịch là Ðà Nẵng. Toàn ngành du lịch bị đình trệ. Khi làn sóng dịch bệnh thứ hai vừa tạm lắng vào cuối năm 2020, các địa phương, các doanh nghiệp lại đổ tiền để xây dựng, quảng bá sản phẩm, nhất là du lịch Tết, du lịch Xuân thì nhiều địa phương lại đón "làn sóng" dịch bệnh thứ ba.

Trong các ngành kinh tế, du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất khi dịch bệnh xảy ra. Hàng loạt doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú phải đóng cửa. Xe của các doanh nghiệp vận tải du lịch phải nằm bãi. Tại Hà Nội trong năm 2020 có gần 1.300 doanh nghiệp lữ hành (chiếm 90%) đóng cửa, ngừng hoạt động; khối cơ sở lưu trú có 16 nghìn lao động không có việc làm, 13 nghìn lao động phải làm việc cầm chừng, 5.700 lao động bị chấm dứt hợp đồng… Khó khăn nhưng vẫn phải bỏ tiền để đầu tư, quảng bá sản phẩm hai lần và cả hai lần đều thất bại. Làn sóng dịch bệnh thứ ba khiến hầu hết các doanh nghiệp du lịch trở nên kiệt quệ. Trước mắt, du lịch đình trệ khiến doanh nghiệp thua lỗ, ngân sách mất nguồn thu, người lao động không có thu nhập. Song, khủng hoảng du lịch còn khiến hàng loạt nhân lực du lịch tìm kiếm công việc ở những ngành nghề khác. Khi du lịch phục hồi, chúng ta sẽ đối mặt nguy cơ khủng hoảng nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản. Tiếp đó, nhiều doanh nghiệp bị giải thể khiến năng lực đáp ứng nhu cầu của cả hệ thống du lịch suy giảm. Về lý thuyết, khi nhu cầu tăng, sẽ có các doanh nghiệp ra đời. Nhưng khi đó, chúng ta đã mất đi nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm và chuyên môn.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ ngành du lịch. Nhưng một số biện pháp như giãn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm giá điện... đã hết hiệu lực. Một số biện pháp như giãn nộp bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp cắt giảm hơn 50% số lao động không đem lại hiệu quả thiết thực, khi những doanh nghiệp muốn giữ chân người lao động gặp khó. Gần đây, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ ngành du lịch, điển hình như Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh. Ðầu tháng 2-2021, các doanh nghiệp du lịch TP Hồ Chí Minh đề xuất miễn hoặc giảm 50% thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch đến hết năm 2021; miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp du lịch trong các năm 2021, 2022; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0%; kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng đến hạn; giảm giá điện đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong năm 2021... Ðề xuất của Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng là tiếng nói chung của nhiều doanh nghiệp du lịch trên cả nước. Chính phủ và các ban, ngành cần sớm xem xét các giải pháp hỗ trợ khẩn trương. Nếu không, ngành du lịch không chỉ gặp khó khăn trước mắt, mà về lâu dài, du lịch Việt Nam suy giảm sức cạnh tranh; và con đường đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn càng trở nên xa vời.