Hiểu đúng về quy định mức sinh

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” với mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp và giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao.

Một số chỉ tiêu cụ thể được quyết định này đưa ra như: Tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2,0 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có hơn 2,2 con); duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con). Ngoài ra, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác dân số; chuyển hướng từ tập trung vào việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân thay đổi hành vi, hưởng ứng cuộc vận động mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc…

Đáng chú ý, một nội dung được nhiều người dân quan tâm là việc điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích liên quan đến vấn đề sinh đẻ… Nhiều người dân đang hiểu chưa đúng về các nội dung này, dẫn đến nhiều luồng ý kiến khác nhau. Đã có người còn hiểu rằng, quyết định này cho phép người dân sinh con thứ ba một cách thoải mái.

Đại diện Tổng cục dân số (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và duy trì trong hơn 13 năm qua, nhưng hiện nay đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, miền. Xu hướng không muốn có con hoặc sinh ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, thành phố lớn, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Trong khi đó, ở một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mức sinh vẫn cao; thậm chí rất cao (hơn 2,5 con/phụ nữ). Chính vì vậy, bản chất của Quyết định số 588/QĐ-TTg là điều chỉnh vào trọng tâm của việc duy trì mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), giảm sinh ở nơi có mức sinh cao và có một số biện pháp khuyến sinh ở những nơi mức sinh đang xuống thấp. Nghĩa là, các nội dung điều chỉnh sẽ khác nhau căn cứ dựa trên đặc điểm mức sinh thực tế các địa phương, không có sự giống nhau giữa nơi có mức sinh thấp và nơi có mức sinh cao. Trong bối cảnh quy mô dân số nước ta còn lớn, người dân không nên hiểu lầm về việc sinh con thoải mái, sẽ dẫn đến tăng sinh trở lại, nhất là những vùng đang có mức sinh cao.

Trên phương diện pháp luật, Việt Nam không có chế tài “siết” quyền sinh con của con người, mà chủ yếu là thực hiện cuộc vận động trong toàn xã hội. Ngay trong Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới hay Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 cũng không đề cập đến vấn đề sinh con thứ ba. Chỉ một số tổ chức chính trị có quy định về xử phạt khi sinh con thứ ba. Do đó, thời gian tới, chúng ta vẫn thực hiện cuộc vận động mỗi gia đình, cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.