Hậu quả khi phá vỡ quy hoạch ngành

Trong tiến trình công nghiệp hóa, đòi hỏi tuân thủ chặt chẽ các quy hoạch phát triển ngành để tránh chồng chéo, lộn xộn. Thế nhưng, ngành thép là một thí dụ điển hình của việc phá vỡ quy hoạch, xé rào, lạm phát số lượng dự án.

Ðây là biểu hiện rõ nét của cách làm công nghiệp theo cảm tính và mong muốn chủ quan của các địa phương cũng như doanh nghiệp (DN). Việc bội thực do quá nhiều dự án nhà máy sản xuất thép, khiến quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 đã từng bị phá vỡ. Theo quy hoạch, đến năm 2025, tổng công suất thép cả nước mới đạt 20 triệu tấn/năm, nhưng chỉ tính riêng số dự án thép được cấp phép giai đoạn 2006 - 2008 đã có tổng công suất hơn 30 triệu tấn/năm, gấp 1,5 lần quy hoạch. Ðiều đáng nói, sau đó việc cấp phép nhiều siêu dự án thép vẫn tiếp tục diễn ra khiến quy hoạch phải liên tiếp bổ sung, dẫn đến công suất dự kiến có thời điểm lên tới hơn 40 triệu tấn/năm.

Nguyên nhân của tình trạng cấp phép tràn lan xuất phát từ việc giao quyền cho các địa phương, để từ đó đua nhau thu hút, trải thảm đỏ mời gọi đầu tư nước ngoài. Vì thế, ngành thép lắm lúc rơi vào cảnh vỡ trận, khủng hoảng thừa. Hiện tổng năng lực sản xuất toàn ngành đạt 30 triệu tấn/năm nhưng các nhà máy chỉ hoạt động hơn 80% công suất thiết kế với tổng sản lượng 25 triệu tấn (năm 2019), trong hai mức tiêu thụ chỉ đạt gần 21 triệu tấn. Dù dư thừa nhưng lượng thép nhập khẩu vẫn liên tục tăng, khiến Việt Nam luôn là nước nhập siêu thép; các DN nước ngoài cũng đang tìm cách đẩy mạnh đầu tư nhà máy sản xuất thép tại Việt Nam. Ðiều đáng nói, hệ lụy dư thừa thép hôm nay đã được dự báo cả chục năm trước, khi "nhà nhà làm thép, ngành ngành làm thép". Một số chuyên gia am tường về ngành thép cho rằng, sự bùng nổ của các dự án thép là hệ quả của việc quản lý, không dự báo được hướng phát triển, khiến sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng nóng, làm chính các DN sản xuất thép luôn "căng như dây đàn" trong việc tìm cách giảm lợi nhuận để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm do luôn trong tình trạng cung vượt quá cầu. Mặt khác, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường vì còn nhiều nhà máy thép dùng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu. Những dự báo và định hướng sai lầm của quy hoạch ngành thép trước đây đã để lại những hệ lụy nghiêm trọng đối với nền kinh tế đất nước.

Rõ ràng, việc định hướng, đưa ra các chiến lược phát triển ngành thép trong tương lai là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần dựa trên cơ sở hiệu quả và nhu cầu sử dụng thực tế, đồng thời xem xét, tính toán sự phát triển của ngành thép thế giới, cũng như xu thế phát triển khoa học - công nghệ, vật liệu mới trong tương lai,… để có sự cân đối phù hợp. Không nên khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các dự án thép thông thường, mà chỉ nên khuyến khích đầu tư vào các dự án sản xuất thép hợp kim, chất lượng cao sử dụng cho công nghiệp cơ khí, đóng tàu, sản xuất ô-tô hay một số loại thép đặc biệt đang thiếu mà chúng ta chưa sản xuất được. Kiên quyết loại bỏ những nhà máy sản xuất thép lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu và chi phí cao. Ðồng thời cần nghiên cứu liên kết, sáp nhập, cơ cấu lại các nhà máy thép có quy mô nhỏ trong cùng một vùng thành một tổ hợp để nâng cao tính cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm. Ðiều đó sẽ góp phần xây dựng ngành thép phát triển đồng bộ, hiện đại, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để các DN mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu. 

MINH DŨNG