Hành trình tự chủ của các đơn vị nghệ thuật công lập

Theo lộ trình, đến năm 2020, hệ thống các đơn vị nghệ thuật công lập phải tự chủ hoàn toàn. Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, một số đơn vị đã dần khẳng định được năng lực độc lập của mình, trở thành điểm sáng về tự chủ tài chính, nhưng vẫn còn nhiều đơn vị đang loay hoay vì vấp phải nhiều trở ngại, cả khách quan lẫn chủ quan.

Những điểm sáng về tự chủ tài chính của các đơn vị nghệ thuật công lập tại thời điểm này có thể kể đến, như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Trung tâm chiếu phim quốc gia, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam... Tuy vậy, số lượng các đơn vị này vẫn quá ít so với tổng số đơn vị nghệ thuật công lập hiện có. Hiện nay, cả nước có 115 đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 103 tổ chức nghệ thuật thuộc các sở văn hóa, thể thao và du lịch. Phần lớn mỗi tỉnh có từ một đến hai đơn vị, riêng TP Hồ Chí Minh có tám, Hà Nội có sáu, Hải Phòng có năm và Thanh Hóa có bốn đơn vị nghệ thuật công lập. Trong số đó, có nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đang cần được bảo tồn, phát triển. Trước những khó khăn của quá trình tự chủ, có thể nhận thấy một số vấn đề cơ bản: một số đơn vị nghệ thuật không có sân khấu để biểu diễn dẫn đến việc giải bài toán tự chủ trở nên khó khăn (như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh...). Không có sân khấu biểu diễn dẫn đến việc các đơn vị phải đi thuê địa điểm, tiền bán vé phải chi dùng vào việc thuê địa điểm, chưa kể còn trả lương, thù lao cho diễn viên và nhiều khoản khác trở thành gánh nặng cho nhiều đơn vị trên lộ trình tự chủ, nhất là với những đoàn nghệ thuật dân tộc truyền thống vốn gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường biểu diễn. Để giải quyết “nút thắt” này, một số nhà quản lý cho rằng, khi chưa có cơ sở vật chất cho các đơn vị nghệ thuật công lập, tức là chưa có giải pháp cụ thể cho việc tự chủ hoàn toàn.

Một vấn đề nữa là các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống rất khó có thể tự chủ tài chính. Nhà nước rút dần bao cấp, đầu tư theo cơ chế đặt hàng tác phẩm, nhưng một trong những cái khó nhất lại nằm ở vấn đề kịch bản. Chẳng hạn cả nước hiện chỉ có vài tác giả viết kịch bản tuồng; với kịch bản cải lương hay chèo, số tác giả cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kinh phí hỗ trợ đầu tư của Nhà nước hiện đang thực hiện theo cơ chế cào bằng với tất cả các ngành nghệ thuật, dẫn đến tình trạng không dễ thu hút được người viết kịch bản. Đến khi có kịch bản, việc dàn dựng ra một vở diễn lại rất công phu; rồi bán vé để tự chủ thu chi tài chính cũng là nỗi đau đầu của các nhà hát. Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết, có đêm diễn nhà hát chỉ bán được vài vé. Chèo hay cải lương cũng đang phải chịu chung cảnh ngộ đó, trong thời buổi sân khấu nghệ thuật truyền thống thưa vắng khán giả. Hầu hết những người cầm cân nảy mực ở các đơn vị nghệ thuật công lập thuộc loại hình sân khấu truyền thống đều mong muốn Nhà nước có cơ chế phù hợp hơn dành cho họ, bởi nhiệm vụ của các đơn vị này ngoài việc tự chủ về tài chính còn là giữ gìn, bảo tồn các giá trị nghệ thuật truyền thống. Nếu các giá trị văn hóa truyền thống này ngày càng mai một và mất đi sẽ là điều vô cùng đau xót đối với các thế hệ tương lai.

Chuyển đổi từ mô hình đơn vị sự nghiệp được bao cấp sang mô hình tự chủ hoàn toàn là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, để mỗi đơn vị nghệ thuật công lập có thể phát huy hết nội lực của mình. Nhưng bước ra tự chủ thì phải có tác phẩm, là những mặt hàng đặc biệt, liên quan đến bảo tồn, phát triển văn hóa; vì thế nếu không cẩn thận, có thể sẽ bị rơi vào tình trạng mất bản sắc. Vấn đề này cần được Nhà nước và các bộ, ngành liên quan lắng nghe, xem xét và có giải pháp phù hợp, để nhiệm vụ tự chủ của các đơn vị nghệ thuật công lập có thể được hoàn thành đúng lộ trình.