Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Thông tin sáu đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử Hà Nội, tỷ lệ 1/2.000 vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, công bố, đang thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày gần đây. Khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội được xác định từ đường vành đai hai đến bờ hữu ngạn sông Hồng, thuộc địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng, rộng hơn 2.700 ha, chiếm 8% so với tổng diện tích của thành phố, nhưng là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng, không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính của Thủ đô và đất nước, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị cốt lõi nhất của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, khu vực này tồn tại nhiều bất cập trong bảo tồn và phát triển, do mật độ dân số đông, hạ tầng ở một số khu vực còn thiếu so với quy chuẩn, gây tình trạng quá tải, ảnh hưởng lớn chất lượng sống của người dân.

Sáu đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử xác lập những nội dung nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của khu vực phố cổ, phố cũ và vùng phụ cận, đồng thời quy hoạch bổ sung, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để cải thiện chất lượng sống cho cư dân. Theo quy hoạch, đến năm 2030, diện tích đường giao thông sẽ tăng lên 213,95 ha so với hiện nay, phát triển năm tuyến đường sắt đô thị với 22 nhà ga, xây dựng 89 bãi đỗ xe, trong đó có 38 bãi đỗ xe cao tầng, 51 bãi đỗ xe ngầm. Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng. Các công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị…

Ðể thực hiện các nội dung theo quy hoạch, thành phố sẽ tái thiết đô thị để dành quỹ đất lớn xây dựng thêm các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng thời kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm dân số khu vực này từ hơn 887 nghìn người hiện nay xuống còn 672 nghìn người vào năm 2030. Từ nay đến năm 2030, thành phố triển khai đồng bộ các dự án di dân, giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành… từ đó sẽ có thêm quỹ đất xây dựng trường học, nhà trẻ, các công trình công cộng... Theo tính toán, có khoảng 215 nghìn người sẽ di dời ra khỏi khu vực nội đô lịch sử từ việc giải phóng mặt bằng để mở rộng đường, di dời hộ dân đang sinh sống trong các khu di tích lịch sử... Cùng với đó, việc di dời các trụ sở bộ, ngành, trường học sẽ kéo theo một bộ phận người dân di chuyển theo.

Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử là cơ sở pháp lý để xác định các dự án đầu tư xây dựng, triển khai lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý đô thị, làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư. Từ đó khắc phục tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vốn là vấn nạn ở khu vực nhiều năm nay. Tuy nhiên, không ít người băn khoăn về tính khả thi của đồ án, nhất là việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, các trường đại học, bệnh viện, trụ sở các bộ, ngành, giải phóng mặt bằng, giãn dân nội đô… vốn là những nút thắt khó gỡ với thành phố nhiều năm nay. Không ít bộ, ngành, trường đại học, bệnh viện… tuy đã có trụ sở mới, nhưng vẫn không trả lại cơ sở cũ trong khu vực trung tâm. Hầu hết các cơ sở sản xuất sau khi di dời lại trở thành các chung cư lớn, chất tải cho nội đô. Công tác giãn dân phố cổ cũng chưa đạt yêu cầu như mong muốn, do những vấn đề cốt lõi như đời sống, việc làm, thu nhập của người dân… chưa được giải quyết thỏa đáng.

Để hiện thực hóa các đồ án quy hoạch cần sự quyết tâm, kiên trì thực hiện của cả hệ thống chính trị, nhất là sự kiên trì, bền bỉ triển khai các giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng các khu đô thị mới đến tạo sinh kế cho người dân. Có như vậy, những đồ án quy hoạch này mới thật sự đi vào cuộc sống, xây dựng khu vực trung tâm Hà Nội phát triển bền vững, phát triển hài hòa giữa văn hóa với phát triển kinh tế, bảo đảm người dân có môi trường sống, làm việc tốt và cơ hội đầu tư thuận lợi.