Góp phần bảo đảm an toàn đường sắt

Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an vừa xử phạt hai nhân viên gác chắn tàu tại đường ngang trên đường Trường Chinh (Hà Nội) vì vi phạm nồng độ cồn khi làm nhiệm vụ với mức phạt 750 nghìn đồng/người.

Trước đó, đêm 25-4, tổ công tác của Cục CSGT kiểm tra tại ga Hà Nội, phát hiện trưởng tàu SE 3 bắc - nam vi phạm nồng độ cồn, khi chỉ còn gần hai giờ nữa đoàn tàu xuất phát để đi TP Hồ Chí Minh.

Cuối tháng 5-2018, Cục Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) qua kiểm tra đột xuất tại ga, đường ngang có người gác trên một số tuyến, đã phát hiện một số nhân viên gác ghi bỏ vị trí, sử dụng rượu, bia trong ca làm việc và vi phạm các quy định khác về kỷ luật lao động...

Những thông tin này khiến nhiều người khá ngạc nhiên vì lâu nay, việc kiểm tra nồng độ cồn thường thực hiện đối với người tham gia giao thông đường bộ, ít khi thấy thông tin về xử lý vi phạm này trên đường sắt. Tuy nhiên, đây có thể được xem là thái độ quyết liệt của cơ quan chức năng trong quá trình kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đang được thực hiện ngày càng thường xuyên hơn ở các loại hình giao thông vận tải, trong đó có đường sắt - loại hình giao thông được ưu tiên tuyệt đối, đòi hỏi cao về độ chính xác và an toàn trong vận hành chạy tàu hay gác ghi chắn.

Các vụ việc nêu trên cho thấy, còn nhiều kẽ hở trong việc giám sát vi phạm nồng độ cồn của các đối tượng tham gia vào giao thông vận tải nói chung, cũng như vi phạm của nhân viên đường sắt, vốn có chức năng tham gia góp phần bảo đảm an toàn giao thông nói riêng. Theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ, mức xử phạt hành chính đối với nhân viên đường sắt có hành vi vi phạm về nồng độ cồn chỉ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 15 triệu đồng, là quá thấp, không đủ sức răn đe. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đang xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016, trong đó đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn cao nhất của lái tàu, phụ tàu tương đương mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển xe ô-tô, mức phạt tiền cao nhất có thể lên đến 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm đe dọa mất an toàn giao thông trong thời gian tới, việc tăng mức xử phạt hành chính là chưa đủ. Cần một cơ chế tự giám sát của từng đơn vị trong ngành đường sắt đối với các nhân viên một cách chặt chẽ, khoa học, hiệu quả để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm. Trước đây, ngành đường sắt từng đưa ra quyết định cấm nhân viên sử dụng điện thoại thông minh khi trực tại một số vị trí quan trọng như: trực gác ghi, trực ban, lái máy. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, tinh thần của cán bộ, công nhân nhân viên trong công tác bảo đảm an toàn giao thông và an toàn chạy tàu. Từ đó, siết chặt kỷ cương, kỷ luật lao động, tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc liên quan yếu tố chủ quan của con người.

Việc xử lý nồng độ cồn của nhân viên khi đang làm nhiệm vụ cần được tăng cường không chỉ ở lĩnh vực đường sắt, mà cần mở rộng ra tất cả các loại hình giao thông, nhằm từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng của hành khách và những người tham gia giao thông.