Gỡ vướng trong triển khai gói hỗ trợ an sinh

Sau gần ba tháng triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 42/NQ-CP đã cho thấy, đây là chủ trương, quyết định rất nhân văn và có ý nghĩa sâu sắc của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ và cùng doanh nghiệp, người dân góp phần khắc phục khó khăn, vượt qua đại dịch, ổn định sản xuất, đời sống. Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt, thận trọng và trách nhiệm tại các địa phương trong cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 6-2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí 17,5 nghìn tỷ đồng. Và đã thực hiện giải ngân được 11.267,207 tỷ đồng hỗ trợ cho 11.015.041 người và 6.196 hộ kinh doanh. Trong đó, đã hỗ trợ 10,83 triệu đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí là 11.084,85 tỷ đồng... Có thể thấy, đến thời điểm này, đã hoàn thành cơ bản việc chi trả hỗ trợ đối với nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đối với việc hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh, nhìn chung các chính sách hỗ trợ như: bảo hiểm thất nghiệp, tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội, tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc..., về cơ bản bảo đảm đúng đối tượng, đúng mục đích. Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu, số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ người lao động còn ít, trong đó tập trung vào ba nhóm đối tượng sau: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại doanh nghiệp mới được 15.909 người (dự kiến ban đầu là một triệu người); người sử dụng lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động bị ngừng việc, tới thời điểm này chưa có hồ sơ nào được giải ngân, trong khi dự kiến số tiền cho vay ban đầu là 16 nghìn tỷ đồng với tổng số ba triệu lao động được hỗ trợ...

Nguyên nhân của việc số lượng các đối tượng thụ hưởng chính sách còn thấp là do thời điểm các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dự báo ban đầu số đối tượng bị ảnh hưởng tương đối nhiều. Nhưng trên thực tế, chúng ta đã sớm kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 5, tạo điều kiện cho việc mở cửa lại nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp quay trở lại phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, để tránh hỗ trợ tràn lan, ngăn ngừa tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách nên các tiêu chí, điều kiện đặt ra ban đầu chặt chẽ. Và thực tế một số doanh nghiệp còn vốn duy trì hoạt động, bố trí đảo ca, giãn ca, làm việc bán thời gian nhằm giữ chân người lao động, đồng thời doanh nghiệp vẫn bố trí kinh phí và thỏa thuận trả lương giãn việc, ngừng việc cho người lao động cho nên chưa có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ do phải chứng minh tài chính nên e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên không chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động...

Trước thực tế này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ nội dung sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP, trong đó, một số chính sách hỗ trợ cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người lao động được tiếp cận chính sách, đồng thời cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình xác lập hồ sơ đề nghị của các đối tượng thụ hưởng... Chẳng hạn việc sửa đổi nêu điều chỉnh quy định "doanh nghiệp" bằng từ "người sử dụng lao động", qua đó có thể mở rộng đối tượng thụ hưởng tới các chủ thể khác ngoài doanh nghiệp như trường học, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có sử dụng lao động. Hoặc sửa cụm từ "không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương" thành "doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc so cùng kỳ năm 2019" để người sử dụng lao động tiếp cận tốt với chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hoặc, đề xuất thay đổi cụm từ "người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính" thành "người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu tại thời điểm xét hưởng giảm 20% so cùng kỳ năm 2019". Bỏ nội dung "đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động" để người sử dụng lao động chủ động trong việc chi trả tiền lương cho người lao động...

CÓ thể thấy, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp trong nước cũng đã thực hiện tối ưu hóa các nguồn lực, việc nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP theo hướng phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay là cần thiết, để thực hiện hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động, giúp người lao động giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giúp người sử dụng lao động nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.