Giữ gìn không gian văn hóa tại phố đi bộ

Vừa qua, tại thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang), lễ khánh thành tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ (phường Mỹ Long) thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương.

Tiếp sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đến nay tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Quảng Ninh, Ninh Bình, Ðà Nẵng, An Giang,... đã hình thành các tuyến phố đi bộ phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân. Các hoạt động thể thao, văn hóa - văn nghệ,... được tổ chức tại đây sẽ góp phần quảng bá du lịch địa phương tới du khách.

Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, hoạt động tại một số tuyến phố đi bộ đang bộc lộ không ít bất cập. Thí dụ, tại phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội), tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ các loại loa đài phát ra vào mỗi cuối tuần khiến không ít người dân sinh sống quanh khu vực cảm thấy phiền lòng. Nhiều hoạt động diễn ra trên phố đi bộ đang có xu hướng bị đơn điệu, nhàm chán, mà thiếu đi các sự kiện văn hóa đặc sắc, tầm cỡ đủ sức thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến với Thủ đô. Không gian trên phố đi bộ còn bị ngang nhiên xâm chiếm trái phép để kinh doanh dịch vụ ô-tô điện, xe máy điện,... cho nên đã xảy ra nhiều vụ xô xát, va chạm đáng tiếc.

Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1) có nguy cơ trở thành điểm nóng về mất an toàn trật tự. Sự việc ba thanh niên nằm trên phố Bùi Viện trong tình trạng sùi bọt mép, toàn thân co giật do sốc bóng cười bị quay phim và đưa lên mạng xã hội ngày 15-7 vừa qua khiến dư luận phải đặt câu hỏi về những "khoảng tối" phía sau các hoạt động kinh doanh tại đây. Bởi chỉ trong sáu tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 65 bình bóng cười, xử phạt hành chính nhiều cơ sở, cá nhân vi phạm. Tuy nhiên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Không ít cơ sở kinh doanh sau khi bị xử phạt xong lại tiếp tục tái phạm với mức độ tinh vi hơn.

Phố đi bộ được mở ra với mong muốn trở thành một điểm hẹn văn hóa ý nghĩa cho cộng đồng. Song những gì diễn ra trên thực tế thì tại một số nơi dường như đang trở thành tụ điểm ăn chơi phản cảm và ẩn chứa nhiều tệ nạn. Giữ gìn không gian văn hóa lành mạnh tại các tuyến phố đi bộ đang là mong mỏi của cả cộng đồng. Bởi chỉ có như vậy, nơi đây mới phát huy hiệu quả tích cực trong sinh hoạt của dân cư. Nhằm kịp thời chấn chỉnh những bất cập tại các tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố, đầu tháng 8-2019, lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và UBND quận 1 chấn chỉnh hoạt động của hai phố đi bộ trên địa bàn quận.

Các biện pháp cụ thể được đưa ra là: Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nhất là các hoạt động văn hóa đường phố để dần hình thành nét đặc trưng, phục vụ du khách; chấn chỉnh việc giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; nghiêm cấm hoạt động bán hàng rong; thực hiện nghiêm giờ giấc kinh doanh; kiểm soát tiếng ồn, quy định âm lượng phù hợp cho các hàng quán; xử lý nghiêm việc mua bán bóng cười; lắp máy bán hàng tự động,...

Từ sự vào cuộc rốt ráo của lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh, đã đến lúc việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động tại các tuyến phố đi bộ cần được các địa phương quan tâm thường xuyên. Tránh tình trạng mở phố đi bộ theo phong trào, làm theo hình thức, hậu quả là hoạt động kém hiệu quả, bị biến tướng, làm mất lòng tin của cộng đồng.