Giải quyết tốt những vụ khiếu kiện hành chính

Một vấn đề nóng trong thực tế cuộc sống những năm qua được đông đảo tầng lớp nhân dân rất quan tâm là việc xét xử, xử lý các vụ việc khiếu kiện hành chính giữa người dân và chính quyền cơ sở. Ðây cũng là vấn đề đã được nêu tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội. Giải quyết án hành chính là một công việc quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần hạn chế khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp trong nhân dân.

Về công tác giải quyết án hành chính năm 2019, báo cáo của các cơ quan chức năng cho biết: Tình hình khiếu nại hành chính tăng cao, công tác xét xử án hành chính có nhiều đổi mới nhưng chưa theo kịp thực tiễn và chưa có chuyển biến tích cực. Hiện nay, 74% số lượng án hành chính liên quan đất đai. Ðây là câu chuyện có nhiều ách tắc, không chỉ trình tự tố tụng, mà trình tự hành chính, luật pháp về đất đai thường xuyên sửa đổi, bổ sung... Tuy án hành chính không chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số vụ án, nhưng án hành chính liên quan đất đai là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của nhiều người dân, vì vậy cần được quan tâm giải quyết hiệu quả, kịp thời. Thực tế cho thấy, án hành chính về đất đai còn nhiều bất cập, tỷ lệ vụ án được xét xử thấp, tỷ lệ bản án phải hủy, sửa chữa còn cao, tỷ lệ thi hành án còn thấp, nhiều vụ có đối tượng phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND các cấp ở cơ sở nhưng chậm thực hiện…

Hạn chế trong xét xử, xử lý án hành chính có nhiều nguyên nhân khác nhau, đáng chú ý trong đó là người kiện không chứng minh được chứng cứ liên quan nội dung kiện; Chủ tịch UBND không thực hiện đối thoại, không có điều kiện để thực hiện đối thoại trong quá trình xử lý các vụ án và tham gia tại phiên tòa, đành ủy quyền cho các đối tượng, nhưng có đối tượng không đúng với quy định cho nên không được chấp nhận. Thậm chí, có những phiên tòa, đại diện của UBND quận vắng mặt, khiến phiên tòa phải tạm hoãn, gây bức xúc trong nhân dân. Giải quyết án hành chính có kết quả chưa cao do thiếu sự quan tâm của cấp ủy, nhất là thiếu sự hợp tác của các cơ quan, cá nhân bị khiếu kiện hành chính. Thực tế cho thấy, những đơn vị và lãnh đạo đơn vị quan tâm lĩnh vực này, cử người phù hợp theo quy định của pháp luật để tham gia tố tụng, thực hiện đầy đủ những yêu cầu của tòa án thì những vụ việc đó giải quyết tương đối nhanh. Bên cạnh đó, việc án hành chính tồn đọng kéo dài do có nguyên nhân từ quy định của luật. Trước đây, tòa án nhân dân cấp huyện xét xử vụ án cấp huyện, nhưng từ ngày 1-7-2017, đều chuyển lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Vụ án hành chính thực chất là vụ án giải quyết quan hệ giữa người dân và chính quyền. Vì vậy, nếu chính quyền thiếu trách nhiệm, né tránh sẽ không thể giải quyết tận gốc vấn đề, không thể xây dựng được lòng tin của nhân dân, từ đó có thể tạo ra những điểm nóng về khiếu nại, khiếu kiện, về an ninh, trật tự. Về nguyên nhân chủ quan, do năng lực của thẩm phán còn hạn chế, còn hiện tượng thẩm phán e ngại, nể nang chính quyền… Việc khiếu kiện hành chính về đất đai ở một số nơi còn liên quan các dự án bất động sản của các doanh nghiệp, vì vậy cần được thanh tra, kiểm tra kịp thời để phát hiện, xử lý nghiêm những "nhóm lợi ích" cố tình lách luật, thậm chí làm sai để đạt mục đích riêng.

Án hành chính được coi là loại án khó vì liên quan nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau, nhất là Luật Ðất đai và các văn bản hướng dẫn đã và đang có nhiều thay đổi qua các thời kỳ. Ðiều này đòi hỏi mỗi cán bộ chuyên môn cần được đào tạo, tự đào tạo, học hỏi và bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, cần đề cao tinh thần trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND, cán bộ các cơ quan chức năng trước những vấn đề bức xúc, lo lắng của người dân. Tòa án các cấp khi xét xử các án hành chính phải tuân thủ sự nghiêm minh của pháp luật, không nể nang, né tránh. Các bản án cần phân định rõ ràng đúng sai, chỉ rõ trách nhiệm các bên, thuyết phục được người dân, qua đó góp phần tạo niềm tin của nhân dân đối với sự công minh của nền tư pháp.