Giải pháp tiêu thụ nông sản vùng dịch

Mấy ngày qua, thông tin về việc tiêu thụ nông sản cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cụ thể là địa bàn tỉnh Hải Dương được chia sẻ rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Tại Hà Nội, đã xuất hiện nhiều điểm bán hàng “giải cứu” nông sản Hải Dương, bao gồm các loại như: su hào, bắp cải, cà-rốt,… 

Người dân Hà Nội chung tay tiêu thụ nông sản Hải Dương.
Người dân Hà Nội chung tay tiêu thụ nông sản Hải Dương.

Theo đó, trước khi được vận chuyển từ Hải Dương về Hà Nội, nông sản, phương tiện vận chuyển được phun khử khuẩn hai lần trên địa bàn Hải Dương, ở hợp tác xã và chốt kiểm dịch. Khi xe đến chốt kiểm dịch gần Hà Nội, nhóm ở Hà Nội sẽ cắt cử một xe khác về đấu nối, vận chuyển hàng đi. Tại đó, hàng hóa và xe tiếp tục được khử khuẩn một lần nữa. Với phương thức này, một lượng hàng hóa nông sản tồn ứ đã được người dân và một số cửa hàng ở Hà Nội thu mua trong những ngày gần đây. Bên cạnh đó, Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện các hệ thống phân phối đang nỗ lực hỗ trợ tỉnh Hải Dương tiêu thụ nông sản, trung bình khoảng 100 tấn/tuần. Hàng hóa và xe vận chuyển đều được kiểm dịch, phun khử khuẩn kỹ càng. Tuy nhiên, cũng do việc kiểm soát kỹ cho nên tiến độ vận chuyển chậm, hệ thống phân phối muốn hỗ trợ tiêu thụ nhiều hơn cũng khó.

Điều đáng lo nữa là lượng lớn nông sản tồn đọng ở Hải Dương hiện nay chủ yếu là hàng phục vụ xuất khẩu. Cụ thể, rau màu vụ đông của tỉnh đang vào mùa thu hoạch rộ với sản lượng còn lại khoảng 90 nghìn tấn hành, tỏi, cà-rốt, rau ăn lá. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tháng 2, 80% lượng nông sản này sẽ xuất khẩu qua cảng Hải Phòng đến Nhật Bản, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Thái-lan... theo hợp đồng mà các doanh nghiệp đã ký với đối tác nước ngoài và đặt lịch tàu biển. Do dịch Covid-19 bùng phát tại Hải Dương cho nên việc vận chuyển hàng hóa đến cảng Hải Phòng đang gặp rất nhiều khó khăn do các yêu cầu khắt khe về kiểm dịch hàng hóa cũng như yêu cầu về phòng, chống dịch cho người và phương tiện. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hải Phòng hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo các ngành liên quan trong tỉnh tạo điều kiện thông thoáng nhất cho việc trung chuyển hàng hóa nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch. Ngoài ra, Bộ Công thương đã có Văn bản số 901/BCT-TTTN ngày 21-2-2021 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản cho các địa phương vùng dịch. 

Thiết nghĩ, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc phòng, chống là hết sức cần thiết nhưng các địa phương cũng nên cân nhắc, tính toán đến việc linh hoạt lưu thông hàng hóa cho các vùng lân cận đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong lúc nguy khó. Bởi lẽ, để có được các hợp đồng xuất khẩu nông sản, nhiều năm qua các cơ quan chức năng địa phương đã phải rất nỗ lực trong đàm phán, xúc tiến thương mại…, nên càng cần có sự chung tay của các tỉnh bạn để kịp thời xuất hàng, giữ chữ tín trên cơ sở bảo đảm tốt nhất các biện pháp phòng, chống dịch. Hy vọng, cùng với các văn bản đề nghị, những cuộc trao đổi, kết nối…, các địa phương sẽ sớm có giải pháp chung hiệu quả nhất để nông sản vùng dịch thuận đường tiêu thụ.