Ðể trồng một tỷ cây xanh

Phát biểu ý kiến tại phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu đề xuất trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây xanh đô thị. Theo đánh giá của các chuyên gia lâm nghiệp, hiện cả nước còn khoảng 600.000 đến 700.000 ha đất chưa có rừng, nếu trồng một tỷ cây xanh, quy ra diện tích tương đương là từ 300.000 đến 400.000 ha rừng trồng; diện tích như vậy không quá lớn nếu kết hợp cả trồng rừng tập trung cũng như trồng cây phân tán. Trong khi đó, việc trồng cây còn được thực hiện tại các đô thị.

Do đó, đây là một đề xuất khả thi, có thể thực hiện được. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho ngành lâm nghiệp và các địa phương là xác định cụ thể mục tiêu của việc trồng cây để có tính toán, cách làm phù hợp, đạt hiệu quả.

Trước đòi hỏi ngày càng cao về nguyên liệu gỗ và lâm sản đáp ứng nhu cầu sản xuất và chế biến, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ngành lâm nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có việc phát triển trồng rừng, tập trung vào trồng rừng gỗ lớn, các loại cây mang lại giá trị kinh tế, bảo đảm môi trường và phát triển bền vững. Ðể thực hiện cung ứng cây giống có chất lượng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định hỗ trợ đầu tư ba khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại ba vùng bắc, trung, nam làm động lực thúc đẩy sự phát triển ngành lâm nghiệp nói chung và ngành chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ nói riêng. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây lâm nghiệp là yếu tố then chốt, tạo động lực phát triển rừng nhanh và hiệu quả; nhất là việc đẩy mạnh cơ cấu lại ngành lâm nghiệp, nâng cao chuỗi giá trị và tính chống chịu trước điều kiện biến đổi khí hậu thời gian tới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2010 - 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp bình quân đạt 5,86%/năm. Năm 2020, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42%, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 13 tỷ USD, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Hiện mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 600 triệu cây giống lâm nghiệp, chất lượng giống ngày càng được cải thiện; hàng trăm giống cây đã được công nhận, đang được nuôi cấy tại gần 750 cơ sở sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đủ nhu cầu trồng cây theo chương trình phát động của Chính phủ. Trên thực tế, công tác phát triển rừng hằng năm đã và đang được thực hiện rất hiệu quả. Năm 2019, tổng diện tích rừng trồng cả nước đạt 4,3 triệu ha, trong đó hơn 3,5 triệu ha là rừng trồng sản xuất, riêng các loài cây keo, bạch đàn là hơn hai triệu ha, chiếm 59%; rừng trồng các loài cây bản địa mọc nhanh (mỡ, bồ đề, lát, xoan...) và cây cao-su chiếm 27% tổng diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước. Cùng với sản lượng gỗ cây trồng phân tán, gỗ cao-su, đến nay việc trồng rừng đã đáp ứng hơn 75% lượng gỗ nguyên liệu cho sản xuất, chế biến gỗ. Chất lượng rừng trồng được cải thiện, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích rừng trồng sản xuất. Cả nước hiện đã có hơn 600.000 ha rừng gỗ lớn (126.175 ha rừng trồng chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn; trồng mới 489.017 ha rừng gỗ lớn) và hơn 200.000 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

Để trồng mới một tỷ cây xanh trong 5 năm (ngoài diện tích rừng trồng đã được quy hoạch), các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trồng rừng và cây phân tán cần lưu ý chọn cây bảo đảm hiệu quả kinh tế và môi trường, phù hợp điều kiện từng nơi. Trước tiên nên trồng rừng ở vùng xung yếu nhất, tiếp đó sẽ mở rộng theo từng vùng quy hoạch. Có thể đầu tư vào việc phục hồi rừng, trồng và hồi sinh rừng ở những nơi đã bị tổn thương hoặc bị khai thác kiệt quệ. Khuyến khích trồng cây bản địa phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng. Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp và các địa phương phải rà soát, đánh giá lại hiện trạng và tình trạng suy thoái rừng theo các tiêu chí về phòng hộ, đa dạng sinh học, giá trị kinh tế và xã hội trên các vùng sinh thái trọng điểm. Ðồng thời, kết hợp các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp như trồng cây công nghiệp có năng suất cao, cây ăn quả; hay kết hợp cây nông nghiệp và chăn nuôi để duy trì hệ sinh thái, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế dân sinh, bảo đảm thu nhập cho các hộ gia đình sống bằng nghề rừng… 

Dũng Minh