Ðể khoa học và công nghệ góp phần giúp nông dân thoát nghèo

Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HÐH) nông nghiệp và nông thôn có vai trò quan trọng cả trước mắt và lâu dài.

Với xuất phát điểm thấp, hơn 70% dân số ở nông thôn, miền núi, muốn hoàn thành nhiệm vụ đó phụ thuộc rất lớn vào việc áp dụng hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ (KH và CN) cũng như lợi thế từng vùng để chuyển dịch cơ cấu, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, làm chủ thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước đều hướng tới khẳng định việc chuyển giao ứng dụng KH và CN vào sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển.

Ngày 13-10-2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1747/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH và CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025" (Chương trình). Qua 5 năm triển khai (2016 - 2020), Chương trình được Bộ KH và CN phê duyệt 400 dự án triển khai ở 61 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí đầu tư là hơn 3.066 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KH và CN Trung ương hơn 1.224 tỷ đồng. Các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công nghệ sinh học, bảo quản, chế biến, bảo vệ môi trường... được thực hiện rộng khắp. Theo báo cáo của Văn phòng Chương trình (Bộ KH và CN), sau 5 năm triển khai, các dự án bước đầu mang lại hiệu quả tích cực về KH và CN, dự kiến chuyển giao 2.126 lượt công nghệ; làm chủ công nghệ sản xuất một số giống rau sạch bệnh, có chất lượng cao, giá thành hạ; đào tạo được 3.520 kỹ thuật viên cơ sở và hơn 1.800 cán bộ quản lý KH và CN ở địa phương... Chương trình đã xác định được công nghệ phù hợp điều kiện từng vùng, địa phương, được người dân, nhà quản lý đánh giá cao. Qua đó, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, là nơi không chỉ để người dân địa phương học tập mà cả doanh nghiệp, nông dân các tỉnh, thành phố khác đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm, học tập, làm theo khi mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào sản xuất. Ðiển hình như một số dự án: "Ứng dụng KH và CN xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân để sản xuất ngô thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả tại huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi" hay "Ứng dụng KH và CN sản xuất ván ghép thanh từ gỗ rừng trồng tại tỉnh Hà Giang"...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc như: Kinh phí hỗ trợ dự án thấp; cơ chế duy trì, nhân rộng mô hình dự án chưa đạt hiệu quả. Việc áp dụng một số quy định để quản lý các dự án chưa hoàn toàn phù hợp... Vì vậy, để phát huy và nâng cao những thành quả đạt được, Bộ KH và CN cần tiếp tục quản lý và xử lý các vấn đề phát sinh của các dự án đã phê duyệt; rà soát, xác định mục tiêu, nội dung giai đoạn 2021 - 2025; ưu tiên chuyển giao các công nghệ về trồng cây chịu mặn (nhằm giải quyết khó khăn về hạn mặn). Các sở KH và CN tăng cường kiểm tra, đôn đốc, quản lý các dự án để bảo đảm lựa chọn trúng các vấn đề cấp thiết tại địa phương... kịp thời tháo gỡ khó khăn để dự án triển khai đúng tiến độ và hiệu quả. Cần phát huy sự sáng tạo trong thực tiễn của người dân khi áp dụng các ứng dụng KH và CN. Tăng cường mô hình chuyển giao KH và CN để tạo liên kết sản xuất hàng hóa theo vùng, quy mô lớn tập trung, thúc đẩy hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi...