Đưa đất nước lên nấc thang phát triển mới

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã đi được gần hết chặng đường với dấu ấn tăng trưởng GDP phục hồi rõ nét, tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu và bền vững hơn.

Tính chung giai đoạn này, tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế khoảng 6,84%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch từ 6,5% đến 7% đề ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020. Không chỉ được hỗ trợ bởi sự gia tăng về quy mô của các yếu tố sản xuất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn được thúc đẩy bởi sự cải thiện của năng suất và hiệu quả đầu tư. Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố với lạm phát ở mức thấp, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, lãi suất ổn định, tăng trưởng tín dụng và cung tiền được kiểm soát chặt chẽ. Cân đối tài khóa được cải thiện, tỷ lệ nợ công và nợ Chính phủ giảm nhanh theo chiều hướng vững chắc hơn. Môi trường kinh doanh có sự cải thiện tích cực, góp phần thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển,… Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các khu vực, các nền kinh tế đều chậm lại.

Đáng lưu ý, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ năm 2016 đến nay diễn ra mạnh mẽ, bước đầu có chuyển biến tích cực, tiến hành theo đúng yêu cầu đặt ra, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự an toàn xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN-4. Ba trọng tâm của quá trình cơ cấu lại là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và thị trường tài chính tiếp tục được đẩy mạnh, tạo bước chuyển mới về huy động nguồn lực, tăng cường hiệu quả đầu tư với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn còn những điểm hạn chế. Mô hình tăng trưởng về cơ bản chưa thay đổi nhiều, tuy có cải thiện nhất định về năng suất và hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng, mức độ cải thiện về năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn,… còn thấp so với yêu cầu thu hẹp khoảng cách phát triển và tiến kịp các nước phát triển có thu nhập cao.

Với vai trò kiến trúc sư trưởng của đất nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành tổng kết việc thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế cho giai đoạn 2016 - 2020 và đề ra giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2025. Việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế là điều kiện cần để kịp thời tận dụng các cơ hội, tạo tiền đề chuyển đổi rõ nét hơn mô hình tăng trưởng, đưa đất nước lên nấc thang phát triển mới. Trong 67 mục tiêu đặt ra cho nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đến năm 2020, có hơn 40% mục tiêu đã hoàn thành, 35,8% mục tiêu có khả năng hoàn thành và 23,9% mục tiêu còn lại cần giải pháp thúc đẩy để hoàn thành đúng kế hoạch. Do đó, bước vào năm 2020, các nhiệm vụ cần giải quyết để hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên được xác định là trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động ban hành các giải pháp, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ nhằm hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Đối với những mục tiêu không có khả năng hoàn thành, cần chủ động báo cáo và đề xuất Chính phủ để có biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh kịp thời.