Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước về kinh tế

Ngay trong phiên họp đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thường trực Chính phủ đã thảo luận về đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Đề án đã đưa ra năm nhóm giải pháp và 25 nhiệm vụ theo các chức năng cơ bản của quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế với các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp nguyên tắc và thông lệ quốc tế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) nêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, đến nay, khu vực KTTN Việt Nam đã có sự phát triển mạnh cả về chất và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế. Doanh nghiệp (DN) tư nhân, nhất là DN quy mô lớn đã có những bước tiến vượt bậc trong việc khẳng định vai trò, vị thế của mình trong nền kinh tế. Nhiều DN tư nhân có hiệu quả hoạt động ngang bằng, thậm chí một số chỉ tiêu hiệu quả sinh lời còn cao hơn so với các DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đang dần chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Ngày càng có nhiều tập đoàn tư nhân lớn và công ty cổ phần trong nước đầu tư ra nước ngoài ở các nước phát triển nhằm mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu như Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Tập đoàn Thaco, Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn FPT,... Trong năm đầu (năm 2007) công bố Bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam (VNR500) của Vietnam Report, DN tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% thì đến năm 2019 đã tăng lên 57,8%. Tỷ trọng doanh thu của các DN tư nhân cũng không ngừng tăng lên, từ 27% năm 2016 lên 37,51% năm 2019, đứng trên cả khu vực DN FDI. Những con số này không chỉ thể hiện nỗ lực của chính các DN mà còn phản ánh kết quả tích cực từ những chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên trong thực tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, DN tư nhân chỉ đóng góp khoảng 9,1% vào GDP; còn mức đóng góp vào GDP của các hộ kinh doanh cá thể gần 30% GDP.
 
 Trước thực trạng này, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với nhiều quan điểm, định hướng mới trong quản lý nhà nước về kinh tế đã có đột phá lớn để thúc đẩy KTTN phát triển. Đây cũng là lần đầu Nghị quyết Đại hội Đảng nhắc đến yêu cầu phát triển lực lượng DN Việt Nam lớn mạnh, bên cạnh yêu cầu về cơ cấu lại DN nhà nước, tăng cường gắn kết giữa khu vực DN trong nước và DN FDI. Điều này đòi hỏi phải có sự đổi mới, đột phá vào những nút thắt đang kìm hãm sự phát triển, qua đó giải phóng sức sản xuất và nguồn lực xã hội để thúc đẩy KTTN, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước sau Đại hội XIII của Đảng. Để KTTN thật sự trở thành động lực quan trọng, quản lý nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển KTTN theo định hướng XHCN. Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi và phát huy sự năng động của KTTN; đào tạo nguồn nhân lực, hình thành các tập đoàn KTTN lớn mạnh ở Việt Nam. Đồng thời tập trung tháo gỡ về cơ chế, chính sách nhằm giải phóng sức sản xuất và nguồn lực xã hội; bảo đảm quyền tài sản, quyền kinh doanh, tạo niềm tin mạnh mẽ cho khu vực KTTN yên tâm đầu tư lớn, đầu tư dài hạn và nỗ lực đổi mới sáng tạo, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển chung của đất nước.