Điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng

Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ chính thức đề nghị cơ quan lập pháp xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020, gồm chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thu ngân sách nhà nước (NSNN) và nợ công.

Đồng thời, Chính phủ cũng thận trọng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù để vực dậy nền kinh tế trong tình hình mới. Đó là: cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong dự toán chi đầu tư phát triển; chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án giao thông quan trọng từ phương thức đối tác công - tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN; miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19; trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020; xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài trên phạm vi toàn cầu,...

Theo chỉ tiêu Quốc hội giao, tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8%, kiềm chế lạm phát dưới 4%. Tuy nhiên việc dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát tại hơn 200 quốc gia trên thế giới khiến mục tiêu này trở thành thách thức lớn và theo đánh giá của Chính phủ là khó đạt được. Do đó, việc đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng là cần thiết, phù hợp tình hình thực tế khách quan, nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế - xã hội và dự báo tình hình quốc tế cũng như trong nước thời gian tới. Theo kịch bản cập nhật của Chính phủ, GDP năm 2020 tăng khoảng 4,5%. Chính phủ cũng đặt ra mức phấn đấu cao hơn là 5,4% trong trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, kiểm soát tốt dịch bệnh, thị trường quốc tế phục hồi. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm bình quân khoảng 4%; tổng thu NSNN giảm 163 nghìn tỷ đồng so dự toán được giao; bội chi NSNN bằng khoảng 4,75% GDP, tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP. Hai chỉ tiêu bội chi NSNN và nợ công/GDP lần lượt tăng 1,31% và 3,2% so với mục tiêu cũ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo là nhiều khả năng rơi vào suy thoái trầm trọng hơn so với các cuộc khủng hoảng trước đây, mức tăng trưởng hơn 5% như mục tiêu phấn đấu của Chính phủ mang nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là ngưỡng đủ để có thể giải quyết việc làm cho người lao động, duy trì chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội mà còn là mức để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% của giai đoạn 2016 - 2020. Nhưng rủi ro đi kèm là điều chỉnh tăng bội chi ngân sách sẽ khiến quốc gia phải thêm vay nợ, ảnh hưởng nợ công và sâu xa hơn có thể ảnh hưởng đến kết quả giữ ổn định kinh tế vĩ mô - nền tảng rất quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong mười năm qua. Đây mới chính là vấn đề băn khoăn nhất.

Việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội là vấn đề lớn và chưa từng có tiền lệ, bởi các chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội đề ra được cụ thể hóa từ Nghị quyết của T.Ư. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, quyết sách về điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng sẽ được cấp có thẩm quyền đưa ra dựa trên những căn cứ chính trị, pháp lý hiện hành. Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh GDP cùng với các chỉ tiêu vĩ mô liên quan ở mức phù hợp diễn biến mới của tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động trong công tác điều hành, hướng tới mục tiêu kép vừa chống dịch thành công, vừa giúp kinh tế bật dậy sau đại dịch.