Để gạo Việt Nam rộng đường vào thị trường châu Âu

Theo quy định tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Liên hiệp châu Âu (EU) dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được hưởng mức thuế suất 0%. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đặc biệt là nhóm gạo thơm, tận dụng tốt nhất ưu đãi thuế quan này, chỉ hơn một tháng sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ngày 4-9-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU.

Theo đó, Nghị định quy định chi tiết về chứng nhận chủng loại gạo thơm phù hợp với nội dung của EVFTA, đồng thời đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo thơm sang EU của các doanh nghiệp. Đáng chú ý, Nghị định có hiệu lực ngay ngày ký ban hành cho nên các doanh nghiệp đã có những loại gạo thơm trong danh sách và đơn hàng có thể gửi ngay hồ sơ đến Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để có giấy chứng nhận. Đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để các lô gạo thơm hoàn tất các thủ tục trong nước, thuận đường xuất sang châu Âu.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo thơm chính là bảo đảm chi tiết và cặn kẽ các yêu cầu của EVFTA, trong đó nhấn mạnh tính đúng giống, nghĩa là bảo đảm độ thuần của gạo thơm xuất khẩu. Điều này đòi hỏi những đơn vị khảo nghiệm giống cây trồng thực hiện việc chứng nhận đúng giống phải tuân thủ quy trình bài bản và đúng thời điểm sinh trưởng của lúa để có thể xác định được toàn bộ đặc tính chuẩn nhất của giống. Đồng thời, tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo thơm cũng phải chịu trách nhiệm về độ thuần, tính đúng giống trong quá trình thu hoạch, phơi, sấy, sơ chế, bảo quản, xay, xát, chế biến, đóng gói. Hiện có 9 giống lúa thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch 30.000 tấn, bao gồm: Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các đơn vị rà soát lại danh mục giống lúa thơm đang được sản xuất phổ biến để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung danh mục chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU.

Theo thống kê, diện tích gieo cấy lúa thơm tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long hằng năm đạt khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy (tương đương khoảng một triệu héc-ta), sản lượng lúa thơm ước đạt 5,5 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm. Như vậy, 30.000 tấn gạo thơm xuất sang EU được hưởng ưu đãi về thuế quan mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng lượng gạo thơm sản xuất trong vùng, cho nên có thể thấy tiềm năng xuất khẩu gạo thơm còn rất lớn. Chính vì vậy, thời gian tới, các đơn vị liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để triển khai tốt nhất việc xuất khẩu 30.000 tấn gạo vào EU, vừa bảo đảm giá bán cao, vừa là cơ sở cho việc đàm phán mở rộng hạn ngạch xuất khẩu gạo thơm vào thị trường này những năm tiếp theo, để gạo thơm nói riêng, hạt gạo Việt Nam nói chung có thể rộng đường vào thị trường châu Âu. Đồng thời, đây cũng là thời cơ và cơ hội cho các hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp mở rộng vùng trồng, vùng liên kết sản xuất lúa thơm, đáp ứng tiêu chuẩn về giống, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để chinh phục thị trường châu Âu và nhiều thị trường khác trên thế giới.