Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án giao thông

Đến hết tháng 10 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải mới giải ngân vốn đầu tư công các dự án được hơn 9.400 tỷ đồng, tương đương 35,7% kế hoạch giải ngân (26.322 tỷ đồng) và thấp hơn 5.731 tỷ đồng so dự kiến giải ngân đã xây dựng. Theo đánh giá, tỷ lệ giải ngân trong 10 tháng qua của Bộ Giao thông vận tải đạt thấp hơn mức bình quân của cả nước, có nguy cơ không đạt mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch năm.

Thực tế thời gian qua cho thấy, trong giải ngân vốn đầu tư công, nhiều vướng mắc liên quan các thủ tục, quy định. Từ chủ trương chuẩn bị đến khi khởi công công trình, phải trải qua 64 bước, nhanh nhất cũng mất 90 ngày mới khởi công được một dự án. Để hoàn thành “rừng thủ tục” theo quy định, có khi mất tới 400 đến 500 ngày, thậm chí hơn. Trong Luật Đầu tư công, khâu phân khai vốn rất chậm. Chủ đầu tư trình hồ sơ dự án lên Bộ Giao thông vận tải, Bộ gửi sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Chính phủ, rồi Quốc hội thông qua mới được giao kế hoạch vốn. Nếu chuẩn bị không kỹ, khi triển khai sẽ phải điều chỉnh và vòng lại từ đầu. Luật Xây dựng quy định, công trình muốn triển khai phải có thẩm định thiết kế cơ sở. Hằng năm, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Xây dựng) phải thẩm định thiết kế cơ sở hàng nghìn dự án nhóm A, B, C của T.Ư và nhóm B trở lên đối với địa phương, và đây chính là “nút thắt cổ chai” trong quá trình triển khai dự án. Đó là chưa kể công tác giải phóng mặt bằng liên quan nhiều chính sách, các dự án giao thông lớn thường triển khai trên diện rộng, qua nhiều địa phương, trong khi việc phối hợp giữa các bộ, ngành chưa nhịp nhàng, đồng bộ.

Giải ngân ì ạch ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Chính phủ đã đưa ra năm nhóm giải pháp chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, trong đó, sẽ rà soát, kịp thời điều chỉnh các quy định còn vướng mắc; kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân cao; siết chặt kỷ luật kỷ cương, nhất là vai trò của người đứng đầu. Thời gian tới, khi Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, giải quyết được vấn đề phân cấp triển khai vốn. Luật Xây dựng cũng sẽ được điều chỉnh, tiếp tục phân cấp cho địa phương thẩm tra thiết kế cơ sở, như vậy sẽ gỡ bỏ được các nút thắt chậm trễ trong giải ngân. Tuy nhiên, mấu chốt quan trọng nhất vẫn là triển khai công việc từ các ban quản lý dự án, chủ đầu tư có bảo đảm chất lượng, tiến độ hay không, cùng với đó là trách nhiệm, tinh thần quyết liệt của lãnh đạo các ngành, địa phương. Thực tế cho thấy, cùng một cơ chế, hành lang pháp lý như nhau nhưng vẫn có một số bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt, bởi tinh thần dám làm dám chịu, hành động kịp thời của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Đặc thù năm nay, Bộ Giao thông vận tải khởi công hàng loạt dự án, gói thầu. Đây chính là thời cơ để các ban quản lý dự án, chủ đầu tư quyết liệt thúc đẩy, giải ngân hết số vốn đã giao cho 11 dự án đường cao tốc bắc - nam và 10 dự án giao thông đường bộ quan trọng, cấp bách. Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ cho các ban quản lý dự án phải giải ngân đạt từ 95% kế hoạch trở lên, tập thể lãnh đạo ban mới được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những ban nào đạt dưới 95% và thấp hơn mức bình quân cả nước, tập thể lãnh đạo sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và lãnh đạo Bộ sẽ xem xét, điều chuyển cán bộ. Khi trách nhiệm cụ thể, trực tiếp được đặt lên vai người đứng đầu, kỷ cương được siết chặt, chắc chắn tiến độ giải ngân các dự án ngành giao thông trong hai tháng cuối năm sẽ đạt và vượt chỉ tiêu.