Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gia cầm

Ngày 5-3, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga đã có thông báo chính thức cho phép Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (chi nhánh nhà máy chế biến sản phẩm thịt gà tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) - là doanh nghiệp đầu tiên được xuất khẩu các sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Nga.

Để có thể xuất khẩu thịt gà chế biến vào các thị trường khó tính này, doanh nghiệp chúng ta cần phải tổ chức sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt gà theo chuỗi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng… Được phép xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Liên bang Nga, cũng đồng nghĩa với việc được phép xuất khẩu sản phẩm này sang các nước trong Liên minh kinh tế Á - Âu (bao gồm: Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-ni-a và Cư-rơ-gư-xtan). Trước đó, vào năm 2017, Cục Thú y đã đàm phán và xuất khẩu thành công thịt gà chế biến sang Nhật Bản.

Thị trường xuất khẩu thịt gà chế biến được mở rộng giúp nâng cao giá trị gia tăng của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam, mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi gà, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường trong nước, từ đó nâng cao vị thế của ngành chăn nuôi Việt Nam với công nghệ cao, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Để chiếm lĩnh được thị trường xuất khẩu sản phẩm thịt gà nói riêng và các sản phẩm chăn nuôi nói chung, Cục Thú y cần phát huy vai trò cầu nối hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sản xuất, chế biến sản phẩm gia cầm bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu ngày càng khắt khe về hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Các địa phương cần gỡ vướng cho doanh nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi chăn nuôi khép kín, hướng đến các mô hình trang trại thay vì nông hộ như hiện nay. Trước mắt là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm đi các thị trường trên thế giới như: Koyu & Unitek, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam... đầu tư nghiên cứu sâu, nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu, phát triển các sản phẩm chế biến tránh các rào cản kỹ thuật đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cao.