Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới

Trong bốn tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt 10,64 tỷ USD, giảm 6,6% so cùng kỳ năm 2019; kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt 6,39 tỷ USD, giảm 8,76%. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc chỉ đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,98%; xuất khẩu xơ sợi giảm 11,54%,... Hiện tại, phần lớn doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất tháng 5, tháng 6, khiến tình hình hoạt động hết sức khó khăn, không ít doanh nghiệp chấp chới bên bờ phá sản. Điều đó cho thấy, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi bị đứt gãy toàn thị trường từ cung cấp đến tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Một điểm sáng là sự phản ứng linh hoạt và sáng tạo của các doanh nghiệp khi tận dụng nguồn nguyên, phụ liệu sẵn có trong nước để sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế phòng, chống dịch. Số liệu thống kê đến ngày 20-4 cho thấy, tổng lượng khẩu trang đã xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 415 triệu chiếc, giá trị thu về hơn 63 triệu USD. Việc xuất khẩu mặt hàng hoàn toàn mới như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế là những thành quả bước đầu của ngành dệt may, đây cũng là cơ hội hiếm hoi để các doanh nghiệp cầm cự, chờ đợi cơ hội hồi phục sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, con số 63 triệu USD thu về từ xuất khẩu khẩu trang trong bốn tháng qua chẳng thấm vào đâu so với con số 40 tỷ USD mỗi năm thu về từ xuất khẩu sản phẩm truyền thống. Do đó, để tăng hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp phải chủ động được nguồn cung nguyên, phụ liệu; tìm kiếm, phát triển các thị trường mới như một số nước thuộc khu vực Đông - Nam Á, các nước thuộc khối Đông Âu, các nước thuộc Hiệp định CPTPP,... nhằm tạo sự đối trọng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một, hai thị trường chủ lực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, đầu tư sản xuất các đơn hàng thử nghiệm với quy mô nhỏ nhưng đòi hỏi yêu cầu cao hơn về chất lượng, đáp ứng những mẫu mã, mặt hàng thời trang nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Trong thời gian tới, hành vi tiêu dùng của thế giới sẽ có nhiều biến chuyển. Khi đó nhu cầu về các sản phẩm khẩu trang, đồ bảo hộ y tế không còn cao, khan hiếm như hiện tại, ngành dệt may Việt Nam có thể sẽ tiếp tục thiếu đơn hàng. Chính vì vậy, bên cạnh sản xuất, cung ứng cho các nước trên thế giới đang có nhu cầu cao về khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, các doanh nghiệp cần có sự thay đổi, sáng tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sau đại dịch. Đồng thời, cần tập trung đàm phán với các nhà cung cấp để chuyển nguồn cung nguyên, phụ liệu về Việt Nam để đáp ứng được yêu cầu xuất xứ và hưởng lợi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, CPTPP,... Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước cùng các bộ, ngành nhằm đẩy nhanh giải ngân các gói tín dụng; cho miễn bảo hiểm xã hội và công đoàn phí từ tháng 5 đến cuối năm nay; cho giãn các khoản nợ đầu tư đến hạn trả gốc,... tạo đà cho doanh nghiệp bật dậy sau đại dịch và củng cố vị trí của ngành trong chuỗi cung ứng toàn cầu.