Đạo đức của người sáng tạo

Ngày 2-6, nhiều độc giả không thấy bất ngờ khi được biết Ban tổ chức cuộc thi truyện ngắn “Người lao động hôm nay” do Báo Người lao động tổ chức, thông báo về việc quyết định gỡ bỏ truyện ngắn của tác giả K.H khỏi trang báo, đồng thời loại khỏi cuộc thi và không chấm nhuận bút cho truyện này vì “có sự sao chép khá rõ rệt” từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Bởi trước đó, ngay sau khi đăng tải ngày 26-5, truyện ngắn “Biến mất” của tác giả 8X này bị bạn đọc phát hiện đã đạo văn từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư do có cốt truyện tương đồng, nhiều đoạn văn được sao chép, diễn giải lại. Sự việc đã gây bức xúc dư luận, bởi tác giả trẻ đạo gần như toàn bộ một tác phẩm của chính giám khảo tại cuộc thi mà người này đang tham dự. Không lời bào chữa nào có thể chấp nhận trong trường hợp này, bởi đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức người cầm bút, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vốn được pháp luật bảo vệ, coi thường độc giả, khinh nhờn chuẩn mực sáng tạo. Sự việc khiến không ít người nghi ngờ về thành tích văn chương trước đó của tác giả K.H, và đặt câu hỏi: Liệu có hay không có tác phẩm khác đã bị người này đạo văn nhưng chưa bị phát hiện?

Trên thực tế, nạn đạo văn không phải là vấn đề mới song luôn được dư luận quan tâm, lên án. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không có dấu hiệu chấm dứt. Từ các vụ việc bị phát hiện thời gian qua cho thấy, người đạo văn thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, có người mới vào nghề viết, cũng có người đã cầm bút lâu năm. Có lẽ, họ hy vọng, việc đạo văn sẽ không bị ai phát hiện. Song bạn đọc vốn tinh tường và công bằng. Bởi thế, những việc làm sai trái sớm hay muộn cũng đều bị phát giác.

Việc sao chép, vay mượn, ăn cắp ý tưởng của người khác,... đều là hành vi đáng chê trách, đòi hỏi phải được ngăn chặn. Trong văn học nghệ thuật, đạo văn càng bị lên án mạnh mẽ, gay gắt bởi với đặc thù lao động tinh thần thì sáng tạo tự thân, và các kết quả sáng tạo ra đời là kết tinh của tài năng, vốn sống, vốn tri thức, sự trải nghiệm, năng lực nhận thức, suy nghĩ riêng tư,… của mỗi người. Công chúng đến với một tác phẩm nghệ thuật là để thưởng thức bởi yếu tố khác biệt, mới mẻ, độc đáo mà mỗi tác giả đem lại. Còn khi tác phẩm chỉ là “hàng nhái”, vay mượn hoặc là ăn cắp từ tác phẩm của người khác thì không có lý do để tồn tại.

Cũng như các nước trên thế giới, ở Việt Nam, mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đều bị nghiêm cấm và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên lâu nay, việc xử lý hành vi đạo văn còn có biểu hiện xuê xoa, thiếu nghiêm khắc. Nhiều trường hợp dù bị dư luận phê phán nhưng cơ quan chức năng lại chọn cách xử lý theo kiểu “hòa cả làng”; có trường hợp sau khi bị phát hiện, người đạo văn còn tỏ rõ thái độ ngoan cố, bất chấp, coi thường công chúng. Nhiều tác giả là nạn nhân của nạn đạo văn, thay vì lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, lại có thái độ thờ ơ, dửng dưng. Điều đó vô hình trung lại tiếp tay cho nạn đạo văn tiếp tục lộng hành. Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, sự phản đối quyết liệt từ cộng đồng, thì mỗi chủ thể sáng tạo phải tự nghiêm khắc với chính mình. Không có giá trị nào được ghi nhận từ đạo văn hay nhân danh “vay mượn” để đạo văn. Và mỗi tác giả sẽ phải trả giá rất đắt về đạo đức, về sự nghiệp từ chính những hành vi khuất tất của mình.