Cứu hộ, cứu nạn bài bản và an toàn

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường và cực đoan. Do chủ động phòng, chống, đồng thời  làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, thiệt hại về  người và tài sản đã giảm đáng kể. Theo thống kê, từ đầu năm đến ngày 19-10, trên cả nước đã xảy ra 1.864 sự cố thiên tai, làm chết 510 người, mất tích 142 người; bị thương 617 người; chìm, cháy hỏng 339 phương tiện; hư hỏng 91.449 nhà, hư hại 266.962 ha lúa, hoa màu, chết 469.651 gia súc, gia cầm… Các địa phương đã điều động 211.480 lượt người, 6.183 lượt phương tiện khắc phục hậu quả 1.553 vụ, cứu được 2.770 người và 125 phương tiện. Trong đó, lực lượng quân đội đã điều động 173.226 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu nạn hiệu quả 1.290 vụ, cứu được 1.310 người và 46 phương tiện. Kêu gọi, thông báo cho 1.780.256 người, 382.842 phương tiện nắm được thông tin của bão, di dời 18.671 hộ dân đến nơi an toàn, vận chuyển 15,5 tấn lương thực, khắc phục, sửa chữa 20.592 nhà, vận chuyển 13.823 m3 nước sạch đến khu vực bị hạn hán…  

Trong những ngày này, các tỉnh miền trung đang chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra. Cùng với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của chính quyền, quân đội, đã có nhiều cá nhân, hội, nhóm tự nguyện, tích cực tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, góp phần tích cực giúp đỡ người dân trong vùng thiên tai. Đó là những nghĩa cử rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, hậu quả do thiên tai gây ra hết sức khốc liệt và luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sự an toàn của người dân và cả những người đi cứu hộ, cứu nạn. Chính vì vậy, cần tổ chức việc cứu hộ, cứu nạn một cách bài bản, có tổ chức, để mang lại hiệu quả cao và tránh những rủi ro đáng tiếc.  

Trong khi nguồn lực, phương tiện, lực lượng của Nhà nước có hạn, thiên tai lại diễn ra nhanh, bất ngờ, trên diện rộng, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng để cứu giúp những người bị nạn. Cấp ủy, chính quyền các địa phương và các lực lượng chức năng cần có các phương án chủ động để huy động và tổ chức chặt chẽ các lực lượng tình nguyện tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn bảo đảm hiệu quả và an toàn. Cần chuẩn bị tốt mọi mặt, sẵn sàng ứng phó nhanh, có hiệu quả, cốt lõi là khâu chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ, khoa học và tổ chức thực hiện cụ thể từ lập kế hoạch đến kiểm tra, bảo đảm phương châm “bốn tại chỗ”, công tác hiệp đồng nhiệm vụ ở từng địa bàn, khu vực đảm nhiệm. Trong đó chú ý sử dụng lực lượng phải phù hợp, ưu tiên các trọng điểm thiên tai lớn, bất ngờ; cần phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, trong đó lực lượng tại chỗ là chủ yếu, lực lượng chủ lực làm nòng cốt. Người chỉ huy các cấp phải coi trọng các biện pháp an toàn khi sử dụng lực lượng, phương tiện. Công tác chỉ huy, công tác hiệp đồng cần phải được tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới, duy trì phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, với cấp ủy, chính quyền địa phương, thực hiện tốt cơ chế chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương trong ứng phó thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Công tác ứng phó, khắc phục  hậu quả phải có sự chỉ đạo, điều hành thống nhất giữa các lực lượng quân đội và lực lượng dân sự cùng làm nhiệm vụ trên địa bàn. Ngoài ra, hằng năm, các địa phương, đơn vị cần chủ động có kế hoạch tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, luyện tập phương án ứng phó, khắc phục thiên tai, sự cố để nâng cao trình độ, khả năng ứng phó thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.