Công nghiệp văn hóa phục vụ sáng tạo

Cụm từ "công nghiệp văn hóa" lần đầu được nhắc tới trong Quyết định số 581/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 ban hành ngày 6-5-2009.

Trong đó có đề cập chủ trương "Phát triển nhanh chóng công nghiệp văn hóa", gợi mở cho nhiều chính sách văn hóa quan trọng ở Việt Nam. Công nghiệp văn hóa bao quát nhiều lĩnh vực liên quan sáng tạo, như: xuất bản, kiến trúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, quảng cáo... Mặc dù được đề cập từ khá lâu, được đưa vào nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hay sự hình thành một số tổ chức liên quan đến bản quyền tác giả nhưng có thể khẳng định, công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn rất sơ khai. Biểu hiện là qua một vài vụ tranh chấp về bản quyền trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, phim ảnh, truyền thông... Người dân khi nhắc đến công nghiệp văn hóa đều chưa có ấn tượng rõ ràng. Nhiều người cho rằng, sở hữu trí tuệ chính là giá trị cốt lõi của công nghiệp văn hóa; việc tạo ra môi trường để những "sản phẩm" được chuyển nhượng, trao đổi, mua bán thì đã có công nghiệp văn hóa rồi.

Nói vậy thì đúng, nhưng chưa đủ. Bởi thực tế, rất nhiều sản phẩm thứ sinh, phái sinh ăn theo mà không thể "lượng hóa" để người sáng tạo hưởng được thành quả sáng tạo. Lấy thí dụ từ một số địa phương, cộng đồng dân cư đang được hưởng lợi từ việc khai thác bối cảnh các bộ phim. Nhà làm phim được "trả công" thông qua phòng vé, người làm du lịch hưởng lợi trực tiếp từ du khách đến tham quan phim trường. Trong thực tế, người làm du lịch và các công ty lữ hành không phải trả một đồng nào cho việc quảng bá hình ảnh cũng như những sáng tạo nghệ thuật của nhà làm phim. Tương tự, hiện tượng chép, nhái tranh, ảnh; phổ lời lại cho ca khúc; cắt ghép kiến trúc... lại càng khó kiểm soát và tất nhiên người sáng tạo không bao giờ được trả công cho sản phẩm sáng tạo. Từ thực tế đó dẫn đến những "bất công" như: ca sĩ thu nhập cao hơn nhạc sĩ; người quản lý di tích thu nhập thấp hơn ông chủ nhà hàng ở ngay cổng di tích...

Trên thế giới, công nghiệp văn hóa, cũng như công nghiệp thể thao và nhiều "ngành" công nghiệp khác không phải là một khái niệm xa lạ. Một đội bóng nổi tiếng có lợi nhuận từ những món quà lưu niệm mà du khách mua khi đến tham quan. Tại Thái-lan, những người làm du lịch ở đây đã hình thành những "chuỗi liên kết" để chia đều lợi ích khi cùng khai thác chung một địa điểm du lịch. Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc còn đầu tư ngược lại cho công nghiệp văn hóa. Thí dụ điển hình là những bộ phim truyền hình quảng cáo cho mỹ phẩm, khu du lịch; những bộ truyện tranh quảng cáo cho trò chơi điện tử... Nhiều nước lớn biến công nghiệp văn hóa thành "sức mạnh mềm" đem văn hóa của họ đi khắp nơi trên thế giới, và gặt hái nhiều lợi ích từ những giá trị văn hóa ấy.

Chủ trương của Ðảng ta là phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Những năm gần đây, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng, hiện đứng thứ 42 trên 131 quốc gia và nền kinh tế. Riêng trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, chúng ta đã tận dụng tốt lợi thế từ sức hút văn hóa, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Sự phát triển của du lịch, dịch vụ cũng giúp chúng ta huy động được nhiều nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị di sản văn hóa cha ông để lại. Nhiều loại hình nghệ thuật ra đời bổ sung cho nền văn hóa vốn rất đa dạng, phong phú của dân tộc ta. Có môi trường thuận lợi, nhưng để công nghiệp văn hóa thật sự trở thành xu hướng của tương lai, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ, bảo trợ cho sáng tạo, phát kiến mới; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ. Cộng đồng cần lên án những hành vi "chép", "nhái", "đạo" sản phẩm sáng tạo của người khác, nhất là trong lĩnh vực văn hóa.