Cơ hội mới cho ngành mía đường

Nhiều năm qua, ngành mía đường nước ta gặp rất nhiều khó khăn do giá xuống thấp, diện tích trồng giảm khiến nhiều nhà máy đường hoạt động kém hiệu quả hoặc thua lỗ.

Ðặc biệt, từ khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, thuế nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5%. Do vậy, đường nhập khẩu tăng đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất đường của nước ta.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, liên tiếp những năm qua, giá xuống thấp khiến nông dân nhiều nơi bỏ mía chuyển sang trồng các loại cây khác, dẫn đến diện tích giảm từ 300.000 ha xuống còn khoảng 130.000 ha. Ðồng thời, lượng đường nhập khẩu tăng nên sản xuất đường trong nước bị ảnh hưởng nặng nề. Niên vụ mía đường 2019 - 2020, các nhà máy đường ép được gần 750 nghìn tấn, trong khi trung bình hằng năm là hơn 1,2 triệu tấn đường.

Qua thống kê của cơ quan chức năng, tổng lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2020 đã tăng đột biến với hơn 1,5 triệu tấn. Hiện nay, do gặp khó khăn, chỉ còn 29 nhà máy đường hoạt động, nhiều nhà máy đường thua lỗ buộc phải đóng cửa. Dự báo, niên vụ 2020 - 2021, diện tích mía tiếp tục giảm, nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho các nhà máy đường.

Ðể tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, ngày 9-2-2021, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 477/QÐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái-lan. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16-2 và thời hạn áp dụng là 120 ngày. Sau khi Quyết định 477 có hiệu lực đã có những dấu hiệu tích cực cho ngành mía đường nước ta. Theo đó, giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020; giá thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy đường cũng tăng từ 10 đến 13% so với các niên vụ trước. Giá thu mua nguyên liệu tăng sẽ khuyến khích người trồng mía mở rộng diện tích, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy đường hoạt động, từng bước phục hồi ngành mía đường trong nước.

Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN. Việc áp thuế phòng vệ thương mại là sự can thiệp kịp thời nhằm tạo cạnh tranh bình đẳng cho các nhà máy đường trong nước với thế giới. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận, hiện nay ngành mía đường nước ta còn tồn tại nhiều bất cập như: diện tích canh tác manh mún nên khó áp dụng khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất; một số nhà máy đường có công nghệ lạc hậu khiến chi phí sản xuất tăng, giá bán cao; việc đa dạng hóa sản phẩm sau đường của các nhà máy còn yếu... Vì vậy, về lâu dài, ngành mía đường cần đẩy nhanh tái cơ cấu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, các nhà máy đường cần đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, đa dạng các sản phẩm sau đường; có chính sách hỗ trợ nhà máy đường, nông dân trồng mía đầu tư về cơ giới hóa, mở rộng cánh đồng lớn để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng mía, bảo đảm lợi nhuận cao cho nông dân; chọn tạo các giống mía tốt, cho năng suất, chữ lượng đường cao và phù hợp từng vùng miền; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp bảo đảm lợi nhuận, đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục kiểm soát nhập khẩu, xử lý nghiêm gian lận thương mại.