Chung tay kích cầu du lịch


Ngày 8-5 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, thời gian thực hiện từ ngày 1-6 đến ngày 31-12-2020. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của các địa phương cũng như người dân trong cả nước.

Có thể thấy, đại dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới đã gây ra những hậu quả nặng nề cho các quốc gia. Nhiều lĩnh vực hoạt động gần như bị tê liệt, trong đó có du lịch. Tuy nhiên, tại Việt Nam, với nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và sự chung sức của các cấp, các ngành, dịch bệnh đã được khống chế và từng bước bị đẩy lùi. Đến 18 giờ ngày 11-5, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng. Mặc dù chúng ta không được phép chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh song kết quả này cho thấy mức độ an toàn ở môi trường trong nước.

Đó là cơ sở quan trọng để các ngành, lĩnh vực từng bước phục hồi hoạt động sau dịch bệnh.

Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” vừa được phát động chính là sự vào cuộc tích cực của ngành du lịch trong tình hình mới khi lựa chọn giải pháp kích cầu du lịch trong nước. Khác với những chương trình kích cầu trước đây chỉ chọn một số tỉnh không xảy ra dịch để đón du khách, thì chương trình kích cầu lần này được thực hiện ở tất cả các địa phương trên cả nước. Nhằm triển khai hiệu quả, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp các địa phương và cơ quan liên quan tổ chức phát động chương trình tại một số địa bàn du lịch trọng điểm, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của các hiệp hội, hãng hàng không, công ty lữ hành, xây dựng các gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn, cũng như chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch mới.

Một nguyên tắc quan trọng được đặt ra khi triển khai chương trình này là các hoạt động phải bảo đảm quy định, điều kiện về phòng, chống dịch bệnh cho khách du lịch, người lao động và người dân địa phương. Các địa phương cũng cần có những biện pháp kích cầu cụ thể như hỗ trợ miễn, giảm phí, lệ phí tham quan tại các di tích, điểm tham quan, bảo tàng, điểm du lịch do địa phương quản lý, góp phần giảm giá thành, tăng tính hấp dẫn cho các gói kích cầu du lịch.

Những năm gần đây, du lịch Việt Nam luôn giữ được đà tăng trưởng hai con số, trong đó các chỉ tiêu về lượng khách du lịch quốc tế, trong nước và tổng thu từ khách du lịch đều tăng trưởng tốt. Cụ thể, năm 2017, du lịch Việt Nam phục vụ hơn 73 triệu lượt khách trong nước thì năm 2018, con số này đạt khoảng 80 triệu lượt và năm 2019 là 85 triệu lượt. Đây là nguồn khách quan trọng, đóng góp một phần đáng kể vào doanh thu của ngành du lịch. Chính vì vậy, việc lựa chọn kích cầu du lịch trong nước trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát tốt là giải pháp hợp lý để du lịch Việt Nam từng bước phục hồi và tăng trưởng.

Hiện nay tại nhiều địa phương, các gói kích cầu du lịch đã được triển khai. Tiêu biểu có thể kể đến Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch kích cầu, tăng cường tuyên truyền quảng bá với các địa phương, các hãng vận chuyển, nhất là số hóa sản phẩm để phục vụ du lịch, chú trọng sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch bền vững liên quan nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề… Còn tại Huế, từ ngày 8-5 đến hết ngày 31-7, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục giảm 50% giá vé khi vào tham quan di tích cố đô Huế. Tương tự tại Quảng Bình, UBND tỉnh đã có công văn về việc giảm giá bán các sản phẩm du lịch để thu hút khách. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự vào cuộc tích cực của các địa phương và cấp ngành liên quan, sự hưởng ứng của người dân, sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch năm 2020, đồng thời tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện và có những nét văn hóa dân tộc phong phú, độc đáo với bạn bè quốc tế.