Chủ động ứng phó lũ quét, sạt lở đất

Trong những năm gần đây, một số loại hình thiên tai có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, cực đoan, bất thường và gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống.

Ðặc biệt, lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai gây hậu quả nặng nề, nhưng rất khó dự báo. Ðiển hình, trong các ngày 12, 13 và 18-10-2020 liên tiếp xảy ra ba vụ sạt lở đất kinh hoàng tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ, xã Phong Xuân, huyện Phong Ðiền (Thừa Thiên Huế) và tại Sở Chỉ huy Ðoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị); sạt lở đất Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Mới đây nhất, vừa bước vào đầu mùa mưa, bão năm 2021, trên địa bàn huyện Văn Bàn (Lào Cai) đã xảy ra trận lũ ống bất ngờ, làm ba người chết, đất đá từ trên núi tràn xuống vùi lấp 200 m quốc lộ 279, khiến giao thông bị ách tắc hoàn toàn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lũ quét, sạt lở đất ngày càng xảy ra với cường độ lớn theo cách lý giải của Tổng cục Phòng, chống thiên tai là do triền đồi, núi dốc, đất bị phong hóa qua nhiều năm, cho nên vào mùa mưa luôn luôn trong trạng thái bão hòa nước. Mặt khác, diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp, được thay bằng rừng trồng ở vị trí khác khiến khả năng giữ nước bị thay đổi. Thêm vào đó, ta-luy vách đồi, núi được xẻ cao làm mất thế cân bằng ổn định của mái dốc được tạo ra qua hàng triệu năm… Ðây là sự tác động trực tiếp để "kích hoạt" cơ chế chuyển dịch các khối đất, đá dẫn đến hiện tượng sạt lở đất.

Ðể tìm giải pháp giảm thiệt hại do các loại hình thiên tai, nhất là do lũ quét, sạt lở đất gây ra, nhiều giải pháp từ công trình đến phi công trình đã được triển khai áp dụng. Tuy nhiên, lũ quét, sạt lở đất, lũ bùn đá lại là loại hình thiên tai có diễn biến rất phức tạp, khó dự báo. Ngoài yếu tố mưa tác động trên bề mặt đất còn liên quan tới nhiều yếu tố kích hoạt ẩn sâu trong lòng đất, như yếu tố về địa hình, địa mạo, cấu trúc địa chất, các đứt gãy ở sâu dưới lòng đất, trong các khối đất đá... Chính vì vậy, công việc cần triển khai trước mắt là hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu, bản đồ cung cấp thông tin chi tiết về từng vị trí, từng khu vực đã xảy ra trượt lở đất đá và khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá cao tại các vùng miền núi, trung du làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư, bảo đảm ổn định, bền vững. Ðồng thời, nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiệt hại do thiên tai. Hiện nay, Viện Khoa học khí tượng - Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã xây dựng hai bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét gồm: bản đồ nguy cơ lũ quét tại 14 tỉnh miền núi phía bắc, bản đồ nguy cơ lũ quét tại 19 tỉnh Trung Bộ và năm tỉnh Tây Nguyên.

Ngoài xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ sạt trượt, thiết nghĩ công tác dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất cần phải được chú trọng hơn nữa. Thời gian tới, ngành khí tượng - thủy văn cần tăng cường phát triển hệ thống quan trắc mưa tự động, đẩy mạnh công nghệ cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc xây dựng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo, cảnh báo mưa, dông, xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét; cùng với đó là nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất… Mặt khác, việc lựa chọn vị trí lắp đặt hệ thống quan trắc và thiết kế cấu hình hệ thống quan trắc của các khối trượt là căn cứ quan trọng để đề xuất sử dụng chủng loại cảm biến phù hợp quan trắc những khối trượt lớn. Tuy nhiên, để hệ thống quan trắc hoạt động hiệu quả, lâu dài phục vụ cảnh báo sớm, từ đó giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở đất gây ra, cần có sự phối hợp, tạo điều kiện và tham gia của chính quyền địa phương các cấp, cùng với sự kết hợp hiệu quả của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở trong và ngoài nước. Về lâu dài, các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đồng thời bố trí tái định cư, di dời người dân đến những nơi an toàn.