Chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

Mùa khô năm 2019 - 2020, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 10 trong số 13 địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khiến hàng chục nghìn héc-ta cây trồng cũng như vùng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Trong đó, vụ mùa 2019, trên đất lúa - tôm, diện tích bị ảnh hưởng do hạn, mặn khoảng 16.500 ha, chủ yếu tại tỉnh Cà Mau. Riêng vụ đông xuân 2019 - 2020, diện tích lúa bị ảnh hưởng do hạn, mặn khoảng 41.900 ha, chiếm 2,7% tổng diện tích gieo trồng toàn vùng, trong đó có 70% diện tích bị thiệt hại với hơn 26.000 ha. Ngoài ra, hạn, mặn còn làm hơn 25 nghìn héc-ta cây ăn quả, hơn 17,2 nghìn héc-ta nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Lúc cao điểm, hạn, mặn còn khiến khoảng 96 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Theo đánh giá của các địa phương, hạn, mặn trong mùa khô 2019 - 2020 xảy ra sớm, khốc liệt và kéo dài nhưng ảnh hưởng đến diện tích sản xuất không nhiều là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và chủ động vào cuộc từ các bộ, ngành, địa phương, nhân dân. Mặt khác, công tác dự báo được thực hiện tốt, nhất là việc nhận định sớm thời điểm xâm nhập mặn giúp các địa phương tổ chức khoanh vùng sản xuất phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp tránh mặn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) nhận định, mùa khô 2020 - 2021 có nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn ở mức cao do sự thiếu hụt lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công và nguồn nước về ĐBSCL. Vì vậy, Bộ NN và PTNT dự kiến có thể xảy ra hai kịch bản. Kịch bản một: Hạn, mặn làm ảnh hưởng khoảng 85.000 ha lúa, 50.000 ha cây ăn quả. Hịch bản hai: Hạn, mặn khả năng ảnh hưởng khoảng 97.000 ha lúa, 82.000 ha cây ăn quả. Cùng với đó, hạn, mặn có khả năng làm hơn 70 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt.

Để chủ động ứng phó với hạn, mặn trong mùa khô 2020 - 2021, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL thì các bộ, ngành và địa phương cần thông tin chính xác, đầy đủ đến người dân về nguy cơ hạn, mặn. Bộ NN và PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, giám sát, tổ chức dự báo chuyên ngành về xâm nhập mặn để phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, bố trí cơ cấu mùa, vụ gieo trồng phù hợp, bảo đảm xuống giống sớm lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 ở các vùng ven biển nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động về nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất theo mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm sử dụng nước hiệu quả. Rà soát, khoanh vùng cây ăn quả có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn, mặn; tính toán, cân đối nguồn nước tưới cần thiết trong toàn bộ thời gian ảnh hưởng bởi hạn, bảo đảm đủ cung cấp cho nhu cầu tối thiểu, tránh ảnh hưởng đến cây ăn quả. Các địa phương cần rà soát phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng ĐBSCL và hướng dẫn nhân dân trữ nước ngọt, hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô; kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt và chủ động các biện pháp xử lý nguồn nước nhằm bảo đảm việc sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh để phòng, tránh phát sinh dịch bệnh…