Chủ động, linh hoạt tiêu thụ nông sản

Trước những diễn biến mới và phức tạp của dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản của nhiều địa phương lại tiếp tục gặp vướng mắc. Nhất là đối với những địa phương đang bước vào vụ thu hoạch rộ các loại rau, củ, quả, trái cây tươi. Ðể kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giảm hàng tồn, tránh tình trạng phải "giải cứu" một lượng hàng lớn như các đợt dịch trước, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ bổ sung, trong đó chú trọng đến các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các bộ, ngành nhằm giảm thiệt hại cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch. Theo đó, Bộ NN và PTNT triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các địa phương quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng các hình thức trực tuyến.

Ðồng thời, phối hợp với các cơ quan thương vụ, ngoại giao, ban quản lý các cửa khẩu kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất Bộ Công thương chỉ đạo các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn của các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lưu thông, tiêu thụ bình thường; đồng thời có ý kiến để các đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu… hỗ trợ việc bảo quản hàng hóa, giảm chi phí bảo quản, nhất là các nông sản thực phẩm cần có chế độ bảo quản đặc biệt.

Có thể thấy, trong đợt dịch này, các bộ, ngành đã sớm có công văn đề xuất, kiến nghị, tránh tình trạng bị động xử lý việc nông sản bị ùn ứ do dịch bệnh. Tuy nhiên, để hoạt động tiêu thụ nông sản được thuận lợi và mang lại hiệu quả cao nhất trong bối cảnh dịch bệnh được dự báo còn kéo dài, thì đòi hỏi chính các địa phương phải chủ động vào cuộc và đưa ra các giải pháp hợp lý cho từng mặt hàng. Cụ thể như tỉnh Hải Dương, theo dự kiến, ngày 18-5 tới, UBND tỉnh sẽ phối hợp Bộ Công thương và các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ðiểm cầu chính là tại Hải Dương, kết nối với hàng trăm điểm cầu trong nước và hàng chục điểm cầu nước ngoài từ Anh, Ô-xtrây-li-a, Bỉ, Ðức, Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Xin-ga-po và Trung Quốc. Ðây sẽ là những hoạt động bước đầu để tiếp cận xu hướng bán hàng online đang ngày càng trở nên phổ biến trên quy mô toàn cầu cũng như trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Hay như huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các phương án khác nhau để hỗ trợ nông dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Theo đó, tùy vào tình hình dịch trong nước và khả năng xuất khẩu để tập trung tiêu thụ quả tươi hoặc đưa vào chế biến.

Rõ ràng, dịch Covid-19 đang tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Nhưng cũng là cơ hội để cả người sản xuất và doanh nghiệp tìm ra cách thức tiếp cận mới với đối tác, khách hàng, vừa bảo đảm phòng dịch, vừa tránh ùn ứ hàng hóa. Về lâu dài, điều này cũng mang lại nhiều giá trị hữu ích cho nền nông nghiệp nước nhà, trong đó phải kể đến việc xúc tiến thương mại trực tuyến, bán hàng trực tuyến và nhất là đẩy mạnh chế biến sâu nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao.