Chống lây nhiễm dịch trong nhân viên y tế

Trong khi số người mắc và chết do dịch Covid-19 còn rất cao ở nhiều nước trên thế giới thì theo báo cáo của Bộ Y tế, số người mắc Covid-19 (chưa có người chết do Covid-19) ở nước ta đã có xu hướng giảm rõ rệt trong những ngày gần đây.

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy những giải pháp mà Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đưa ra đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp khi đã xuất hiện các ổ dịch tại cộng đồng và trong cơ sở y tế. Điều đó đòi hỏi các biện pháp phòng, chống dịch cần được duy trì một cách quyết liệt, không chủ quan, lơ là… Ngay từ khi xuất hiện dịch, việc chống lây nhiễm cho cán bộ, nhân viên y tế đã được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu và trong giai đoạn hiện nay, cần phải có nhiều biện pháp bảo vệ nhân viên y tế hơn nữa và đặt nó ở mức cao hơn trước. Bởi nhân viên y tế là những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Tại bệnh viện, các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế đã được triển khai ngay từ đầu với những kịch bản cụ thể. Như tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), sau khi có nhân viên y tế đầu tiên ở đây nhiễm bệnh, toàn bộ trung tâm đã được đóng cửa, 150 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên được cách ly tập trung tại khu riêng, đồng thời được lấy mẫu xét nghiệm (tất cả đều âm tính). Tương tự, sau khi xác định tiếp xúc với người bệnh Covid-19 (người bệnh 237, người bệnh 243) hàng loạt cán bộ y tế ở các bệnh viện: E, Việt Pháp, Đức Giang, Phụ sản Hà Nội, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư… được cách ly ngay và lấy mẫu xét nghiệm. Mặc dù đã được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ, nhưng việc cách ly và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ những nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh là hợp lý nhằm ngăn chặn dịch lây lan sang cán bộ y tế và cộng đồng. Đây là một giải pháp quan trọng đã được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 liên tục đề cập và yêu cầu các đơn vị thực thi ngay từ khi có dịch và tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Nguy cơ lây nhiễm dịch trong bệnh viện thời gian tới hoàn toàn có thể xảy ra, bởi sàng lọc tại bệnh viện là một trong những nguồn có khả năng phát hiện người bệnh. Nếu tiếp xúc, thăm khám không bảo đảm an toàn thì nguy cơ nhân viên y tế nhiễm bệnh rất dễ thành hiện thực. Do vậy các bệnh viện cần tăng cường các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Dựa trên tình hình thực tế hiện nay, người đứng đầu các cơ sở khám, chữa bệnh cần nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch, tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng. Thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn chuyên môn về rà soát đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, khám bệnh, cách ly, chuyển tuyến người nghi nhiễm Covid-19... Đặc biệt, bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Yêu cầu nhân viên y tế thường xuyên sử dụng đủ trang phục bảo hộ (găng tay, mũ, khẩu trang, kính...) trong toàn bộ thời gian làm việc ở bệnh viện, thay vì chỉ sử dụng trong thời gian tiếp xúc với người bệnh như trước đây. Mặt khác, giải pháp chống nhiễm khuẩn cũng phải được các bệnh viện đặc biệt quan tâm, vì người bệnh Covid-19 không chỉ tập trung ở các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành mà hoàn toàn có thể gặp ở một cơ sở y tế tuyến quận, huyện. Do đó, các bệnh viện cần có một quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, cách ly theo đúng quy định. Khi đã có quy trình chuẩn, việc diễn tập phải được thực hiện thường xuyên (kể cả lúc không có dịch) để có kinh nghiệm, đồng thời nâng cao cảnh giác trong cán bộ nhân viên.

Cuộc chiến với Covid-19 vẫn còn dài, bên cạnh các biện pháp bảo vệ, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm cho những người nơi tuyến đầu chống dịch, thì những người thầy thuốc cũng rất cần sự chung sức, ủng hộ để họ vững tin và ấm lòng.