Chống gian lận xuất xứ hàng hóa

Hiện nay, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã có những thay đổi chính sách lớn như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước trong hoạt động thương mại. Dự báo hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao nhiều khả năng tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, hợp thức hóa để giả mạo xuất xứ Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào các nước mà họ bị áp mức thuế.

Các hành vi nêu trên gây nhầm lẫn, thiệt hại cho người tiêu dùng, làm ảnh hưởng các mặt hàng sản xuất cùng chủng loại trong nước. Ðồng thời dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam vì vậy nhiều nguy cơ sẽ mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo Tổng cục Hải quan, một số nhóm mặt hàng có nguy cơ cao gian lận xuất xứ là hàng dệt may, da giày và túi xách; máy vi tính, điện tử, điện gia dụng, điện thoại và linh kiện; nhôm, sắt thép và các sản phẩm nhôm, sắt, thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện; nhựa, gỗ và các sản phẩm nhựa, gỗ. Các phương thức, thủ đoạn gian lận thường được đối tượng sử dụng là: hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài khi nhập khẩu vào Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ "made in Vietnam" hoặc trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu. Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài, nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì nhãn hàng hóa dán trên bao bì, sản phẩm được bóc dễ dàng mà không ảnh hưởng đến bao bì hoặc sản phẩm và được thay nhãn mới ghi "made in Vietnam" hoặc "sản xuất tại Việt Nam" hoặc "xuất xứ Việt Nam". Hàng hóa nhập khẩu từ nước thứ ba về Việt Nam, không trải qua công đoạn sản xuất, gia công mà chỉ thay đổi nhãn mác, xuất xứ thành hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước… Doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu để sản xuất, gia công xuất khẩu, nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định rồi ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy Chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều công ty còn lợi dụng văn bản quy phạm pháp luật chưa bắt buộc dán nhãn phụ trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường để nhập khẩu các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng, sau đó thay đổi nhãn mác, bao bì, xuất xứ thành hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa. Có đối tượng lợi dụng cơ chế thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số linh kiện, phụ tùng để lắp ráp hoặc bán linh kiện cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định, nhưng vẫn ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng…

Để ngăn chặn tình trạng này, vai trò của ngành hải quan là rất quan trọng. Cần sớm xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Trong đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm, sự phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan trong việc thu thập, phân tích thông tin, xác định mặt hàng, doanh nghiệp có rủi ro cao nghi vấn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp; trách nhiệm của cục hải quan các tỉnh, thành phố trong việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan.

Những tháng cuối năm luôn là thời điểm nóng, cần rà soát xác định những giao dịch bất thường, các công ty xuất, nhập khẩu có kim ngạch tăng bất thường so với năng lực, quy mô sản xuất, để thu thập, củng cố thông tin, phân tích, quyết định kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm. Chủ động thu thập thông tin về các mặt hàng bị các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... áp dụng thuế chống bán phá giá (cụ thể đối với từng nước) để thực hiện phân tích, đánh giá số liệu, kịp thời phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá hoặc đang bị điều tra... để thực hiện kiểm tra, giám sát.