Chống dịch cần cụ thể, thiết thực, rõ trách nhiệm

Những ngày qua tình hình dịch Covid-19 ở nước ta diễn biến hết sức phức tạp. Các yếu tố nguy cơ đến từ cả bên ngoài (tình trạng người nhập cảnh trái phép từ các nước đang có dịch) lẫn bên trong (sự quản lý, cách ly không tuân thủ các quy định). Những cảnh báo về đợt dịch thứ tư và các đợt dịch sau thường khốc liệt hơn đợt dịch trước đã dần trở thành thực tế. Công tác phòng, chống dịch tại nhiều địa phương cũng đã bộc lộ một số lỗ hổng, đòi hỏi chính quyền các cấp phải vào cuộc bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Tại cuộc họp ngày 30-4, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cả hệ thống chính trị, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội phải vào cuộc, phòng, chống dịch quyết liệt. Tuy nhiên, vẫn có nhiều địa phương chưa khẩn trương, nhiều nơi mới ra văn bản chỉ đạo, thậm chí có địa phương vẫn để xảy ra hiện tượng tập trung đông người tại các khu vực công cộng (như bãi biển, khu vui chơi, du lịch...) mà chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 trong các sự kiện đó thì rất dễ trở thành những sự kiện “siêu lây nhiễm”. Bởi nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá quá đắt cho nguy cơ từ những sự kiện đông người, đó là tình trạng lây nhiễm dịch trên diện rộng, thậm chí vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Vì thế, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch; phát huy vai trò của người đứng đầu, các cơ quan chức năng và sự đồng lòng của toàn xã hội; kiên quyết dừng tổ chức các hoạt động tập trung đông người không cần thiết (lễ hội, khu phố đi bộ, chợ đêm...); trường hợp tổ chức phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm các biện pháp dự phòng theo đúng quy định. 

Trong đó, những tỉnh, thành phố đang có dịch như Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… phải huy động tối đa lực lượng, tập trung truy vết những người có yếu tố liên quan các trường hợp nhiễm Covid-19 để kịp thời cách ly, phòng, chống dịch một cách hiệu quả. Truy vết nhanh bao nhiêu thì khoanh vùng, cách ly triệt để bấy nhiêu…, sẽ ngăn chặn dịch lây lan ở mức thấp nhấp, hẹp nhất. Hơn lúc nào hết, nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cần được đề cao. Tất cả các tỉnh, thành phố phải kích hoạt mọi phương án phòng, chống dịch, để sẵn sàng phát hiện nhanh, thần tốc khoanh vùng và bao vây dập dịch; thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; không tập trung đông người, không được nhập cảnh trái phép và không che giấu người nhập cảnh trái phép và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhanh hơn nữa.

Trong số người mắc Covid-19 ghi nhận thời gian qua đã có những trường hợp lây lan ngay tại khu cách ly (ở Yên Bái) hay không thực hiện đúng quy định sau cách ly tập trung (trường hợp ca bệnh 2.899 ở Hà Nam). Do vậy, các địa phương cần siết chặt, thực hiện nghiêm quy định về cách ly theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (Bộ Y tế). Các khu cách ly tập trung phải bảo đảm quy trình từ lúc đón từ sân bay về tổ chức cách ly tại khách sạn đến khi bàn giao về địa phương sau cách ly tập trung. Quá trình cách ly tập trung phải bảo đảm không có tiếp xúc... 

Trong những ngày tới, sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… sẽ đón số lượng lớn người dân quay trở lại, trong đó có không ít người trở lại từ những vùng đang có dịch. Vì vậy, bên cạnh việc khuyến cáo, kêu gọi, các địa phương cần có giải pháp quản lý, giám sát chặt chẽ những người trở lại, nhất là những người trở lại từ vùng dịch. Việc bắt buộc những người trở lại thành phố phải khai báo y tế hay khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú là phù hợp. Việc làm đó không chỉ phòng bệnh cho bản thân, một vài người, mà còn là trách nhiệm với những người chung quanh và toàn xã hội.