Chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu rau quả

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 3,7 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2018. Nguyên nhân phần lớn là do sự sụt giảm mạnh về sản lượng và kim ngạch từ phía thị trường Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của nước ta trong năm 2019, nhưng 11 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Điều này xuất phát từ việc Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, gây ra những biến động lớn đối với nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có mặt hàng rau quả. Bên cạnh đấy, người sản xuất cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng trước các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà Trung Quốc đưa ra để được xuất khẩu chính ngạch vào nước này. Cụ thể, đó là sản phẩm nông sản xuất khẩu cần có truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng; đăng ký các nhà sản xuất bao gói; có ghi nhãn...

Ngoài ra, đối với một số loại quả còn có quy định chi tiết như: Dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải dùng xốp lưới; mít dùng giấy dai Kraft, bao bì có in thông tin truy xuất; chuối dùng thùng giấy, túi nhựa để bọc trái đều phải in truy xuất nguồn gốc. Đến nay, mới có chín loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít và măng cụt.

Trong bối cảnh sản lượng sụt giảm ở thị trường Trung Quốc thì một điểm sáng của xuất khẩu rau quả năm 2019 chính là giá trị xuất khẩu sang các thị trường khó tính có chiều hướng tăng. Trong đó phải kể đến xuất khẩu sang Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 137,7 triệu USD (chiếm 4%), tăng 9,2%; Hàn Quốc đạt 119,4 triệu USD (chiếm 3,5%), tăng 14,2%; Nhật Bản đạt 112,4 triệu USD (chiếm 3,3%), tăng 14,4%; Hà Lan đạt 73,8 triệu USD (chiếm 2,2%), tăng 34,8%… so với cùng kỳ năm 2018. Đến thời điểm này, có sáu loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ gồm: vải thiều, thanh long, xoài, vú sữa, chôm chôm và nhãn. Đồng thời, Việt Nam đã đưa thành công bốn loại trái cây vào thị trường Ô-xtrây-li-a, là: vải, xoài, thanh long, nhãn. Như vậy, có thể thấy xuất khẩu rau quả của nước ta đang tạo ra hướng đi mới, chất lượng và bền vững. Tuy nhiên, sản lượng rau quả xuất sang các thị trường khó tính hiện mới chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Để có thể cán đích mục tiêu xuất khẩu năm 2020 đạt hơn bốn tỷ USD thì ngành hàng rau quả còn nhiều việc cần làm. Trước hết là đẩy mạnh việc triển khai thực hiện đầy đủ các yêu cầu từ phía Trung Quốc đưa ra đối với hàng nông sản để hướng đến xuất khẩu chính ngạch. Từ người nông dân đến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cần nâng cao nhận thức về các đòi hỏi từ phía đối tác để có thay đổi cần thiết trong sản xuất và kinh doanh trên cơ sở coi trọng chất lượng và có truy xuất nguồn gốc.

Đây cũng là cơ hội để phát triển bền vững ngành hàng xuất khẩu rau quả nước ta. Bên cạnh đó, đối với các thị trường như Mỹ, châu Âu thì cần sớm có chiến lược bài bản để tăng nhanh thị phần. Điều này là hết sức cần thiết và quan trọng vì đây là những thị trường khó tính. Khi đã được chấp nhận thì rau quả Việt Nam sẽ có thêm một tấm “giấy thông hành” về chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để chiếm lĩnh nhiều thị trường khác trên thế giới.