Chấn chỉnh tình trạng “loạn” vinh danh

Những ngày qua, thông tin về việc nam ca sĩ giải trí từng có danh xưng “ông hoàng nhạc sến” được Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam trao bằng khen “Giáo sư âm nhạc” do “có nhiều hoạt động xuất sắc trong công tác xây dựng thương hiệu vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Việt Nam” làm dấy lên nhiều tranh luận.

Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam trao bằng khen “Giáo sư âm nhạc” cho ca sĩ Hồng Sơn gây tranh cãi.
Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam trao bằng khen “Giáo sư âm nhạc” cho ca sĩ Hồng Sơn gây tranh cãi.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, đây chỉ là sự “ngộ phong”, bởi trên thực tế không tồn tại chức danh giáo sư âm nhạc, chỉ có giáo sư chuyên ngành lý luận âm nhạc hoặc ngành âm nhạc học. Hơn nữa nếu có, chức danh này phải được tiến hành xét phong nghiêm túc, kỹ càng theo quy định của pháp luật từ hội đồng cơ sở, hội đồng liên ngành tới Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước dựa trên đánh giá những công trình nghiên cứu, thời gian giảng dạy… của cá nhân có đóng góp tích cực. Do đó, đây không phải chức danh có thể tùy tiện phong tặng và trong trường hợp này, sự vinh danh ca sĩ kia không có giá trị pháp lý.

Tìm hiểu điều lệ hoạt động Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam cho thấy: Hội chỉ hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Công thương và các bộ, ngành khác có liên quan đến lĩnh vực hoạt động… Thế nhưng hội này lại trao bằng khen và chức danh cho ca sĩ thuộc lĩnh vực văn hóa - văn nghệ chẳng mấy liên quan (!). Không ít người gọi đây là câu chuyện tiếu lâm thời hiện đại, là dẫn chứng nối dài tình trạng “loạn” vinh danh vốn đã ì xèo vài năm gần đây.

Hẳn nhiều người vẫn chưa quên chuyện xảy ra cuối năm 2015, khi một công ty tư nhân mượn danh nghĩa của Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc để tiếp cận các cá nhân, yêu cầu đóng phí làm thủ tục vinh danh và cấp bằng chứng nhận “Nghệ nhân văn hóa dân gian” hay chứng nhận “Vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc”.

Mới đây, sự bất thường của chương trình “Nhân tài đất Việt - Thời đại Hồ Chí Minh” - “Nhà Quản lý cộng đồng” do Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam và Công ty CP truyền thông và phát triển thương hiệu Đại Việt tổ chức cũng gây nhiều bất bình trong dư luận, khi kèm theo giấy mời tham dự, ban tổ chức gửi thêm cùng bản đăng ký hỗ trợ tự nguyện với các mức phí khác nhau dành cho các cá nhân được vinh danh.

Do bị phát hiện kịp thời cho nên chương trình phải dừng lại, nhưng qua đó có thể thấy việc mượn sự vinh danh hay các danh hiệu để trục lợi là có thật. Điều này không chỉ dẫn đến tình trạng “loạn” danh hiệu, mà còn tạo ra giá trị ảo, gây nhiễu loạn những chuẩn mực được tôn vinh, đánh mất niềm tin của công chúng vào giá trị các giải thưởng.

Hiện nay, Nhà nước không cấm các hội, tổ chức nghề nghiệp trao bằng khen hay tặng thưởng các cá nhân có đóng góp tích cực. Bởi tôn vinh một cá nhân hay tổ chức có thành tích nổi bật sẽ góp phần tạo sức lan tỏa ra toàn xã hội. Tuy nhiên, việc vinh danh đó cần thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trên thực tế, mặc dù các trung tâm, hội nghề nghiệp... hoạt động độc lập nhưng vẫn chịu sự giám sát của một bộ, ngành chủ quản. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc rốt ráo hơn trong quản lý hoạt động của các hội liên quan. Nếu phát hiện sai phạm, cần có biện pháp xử lý mạnh tay để tạo tính răn đe. Các tổ chức, cá nhân cần có ý thức, trách nhiệm khi đứng tên trong các hoạt động vinh danh. Những đối tượng được đề xuất vinh danh cũng cần tỉnh táo tìm hiểu, thận trọng đánh giá về uy tín và tính hợp pháp của các danh hiệu, giải thưởng để phản ánh kịp thời với cơ quan có thẩm quyền.