Chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm

Ngày 13-12-2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2419/2016/QĐ-TTg phê duyệt đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Với mục tiêu đến hết năm 2018, chúng ta phải cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và phạm vi địa bàn cả nước.

Mặc dù trong hơn hai năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc với các hành vi vi phạm, song tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ tôm và các sản phẩm tôm có chứa tạp chất vẫn tiếp diễn và được dự báo có chiều hướng ngày càng phức tạp. Nhiều vụ vi phạm không chỉ tồn tại ở một số địa bàn trọng điểm các tỉnh, thành phố ven biển và biên giới, mà còn diễn ra ngay tại các thành phố lớn. Tại Hà Nội, tháng 3 vừa qua, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản thu giữ gần 70 kg tôm đã bị bơm tạp chất ở cơ sở kinh doanh thủy sản Thanh Ngát (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn). Trước đó, tháng 1-2019, TP Hải Phòng thu giữ 60 kg tôm sú bị bơm tạp chất tại cơ sở kinh doanh ở phường Nam Hải (quận Hải An)…

Hành vi bơm tạp chất vào tôm không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn làm mất uy tín ngành tôm nếu là tôm nguyên liệu. Trong bối cảnh ngành tôm đang phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 4,2 tỷ USD trong năm nay, tăng 600 triệu USD so với năm 2018, chỉ cần một lô hàng tôm xuất khẩu không kiểm soát tốt bị phát hiện có tạp chất trả về nơi sản xuất, thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn. Đáng tiếc là việc xử lý hành vi đưa tạp chất vào tôm tại các địa phương vẫn chưa thật sự quyết liệt. Nhiều chủ cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tôm từ chối cam kết không đưa tạp chất vào tôm. Trong khi đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra vừa thiếu vừa yếu, thậm chí kiêm nhiệm cho nên hoạt động chưa chuyên sâu, thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chủ yếu là tịch thu tang vật, xử phạt hành chính vài triệu đồng, vì thế không đủ sức răn đe.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng bơm tạp chất vào tôm, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 2419/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 3556/VPCP-NN ngày 2-5-2019 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, tiếp tục tổ chức cho các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tôm ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, không sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Trong đó, các tỉnh trọng điểm cần tập trung chỉ đạo hoàn thành ký cam kết đối với tất cả các cơ sở. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để người tiêu dùng, nhân dân nhận biết những tác hại, ảnh hưởng của hành vi bơm tạp chất vào tôm, trên cơ sở đó không bao che, tiếp tay, cũng như kịp thời phát hiện, tố giác đến cơ quan chức năng các hành vi vi phạm của tổ chức hay cá nhân.

Đối với các lực lượng chức năng, cần thực hiện nghiêm Văn bản số 18/BCĐ 389-VPTT của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa ban hành về việc tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất. Tổ chức lại các lực lượng thanh tra, kiểm tra giữa các bộ, ngành, địa phương, phân rõ trách nhiệm từng đơn vị trong việc nắm tình hình, phối hợp tuần tra, kiểm soát, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các vụ việc đưa tạp chất vào tôm. Đối với các vụ việc nghiêm trọng cần áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đình chỉ hoạt động; nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.