Cần ưu tiên cho doanh nghiệp cơ khí trong nước

Theo tính toán của các chuyên gia, hằng năm nước ta cần đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình công nghiệp đầu mối về điện, năng lượng, giao thông... Trải qua nhiều năm với nhiều dự án trọng điểm, đến nay, các doanh nghiệp (DN) trong nước hoàn toàn đủ năng lực triển khai nhiều gói thầu trong các dự án công nghiệp. Đơn cử như: Thủy điện Sơn La, Lai Châu, nhiệt điện Cà Mau 1 và 2... đều được các nhà thầu trong nước đảm nhận thi công, xây lắp, bảo đảm an toàn, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế vượt bậc.

Tuy nhiên, ngày càng ít dự án được mạnh dạn giao cho nhà thầu trong nước, do vướng mắc về chính sách đấu thầu (đấu thầu trọn gói hoặc đấu thầu quốc tế), cho nên đều rơi vào tay các DN nước ngoài. Thậm chí, một số dự án hoàn toàn do người nước ngoài xây dựng và nếu đem ra so sánh tổng hợp các yếu tố, có thể hiệu quả của dự án không đạt yêu cầu cả về kinh tế - xã hội, cũng như công ăn việc làm cho người lao động trong nước.

Trên thực tế, chính từ kinh nghiệm tại nhiều dự án lớn, các DN trong nước từng bước vươn lên làm chủ công nghệ, tạo dựng thương hiệu, nguồn công việc ổn định.

Các chính sách của Đảng và Nhà nước cũng được ban hành khá đầy đủ, từng bước hình thành thị trường cho DN cơ khí trong nước. Mặc dù vậy, việc triển khai các chính sách trong thực tiễn gặp rất nhiều vướng mắc, làm giảm hiệu quả của các dự án. Chẳng hạn như chính sách về nội địa hóa thiết bị của nhà máy nhiệt điện, đến nay, ngoại trừ Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm tổng thầu EPC, đạt và vượt tỷ lệ nội địa hóa thiết bị theo yêu cầu. Còn lại những dự án sau này nếu đem đấu thầu quốc tế, khả năng lớn lại rơi vào tay DN nước ngoài, đồng nghĩa với việc nội địa hóa bằng 0.

Mặt khác, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, một số dự án do đối tác nước ngoài thu xếp vốn dường như được “ưu ái” kèm theo điều kiện nhà thầu thi công của nước họ. DN nội thường chỉ là những nhà thầu phụ, đơn thuần làm công ăn lương, khó có điều kiện tích lũy thêm về tài chính và kinh nghiệm. Do đó, đây sẽ là một thất bại về nhiều mặt, vừa mất cơ hội để các DN cơ khí trong nước có thêm công ăn việc làm, nâng cao năng lực, khẳng định vai trò, uy tín, mặt khác cho thấy các chính sách, định hướng đề ra không phát huy hiệu quả, không được thực thi nghiêm chỉnh. Chính những việc này sẽ cản trở mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển cơ khí của Việt Nam nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.

Câu chuyện các DN trong nước “đói” việc ngay tại sân nhà đã và vẫn tiếp tục diễn ra, vô hình trung giảm hiệu quả của các dự án. Kinh nghiệm tại một số nước ngay trong khu vực như Thái-lan, Bru-nây... đều siết chặt vấn đề lao động, buộc chủ các dự án nước ngoài đầu tư phải sử dụng ít nhất 10% lao động bản địa. Đi kèm với đó, đấu thầu trong nước công khai, minh bạch, dành những phần việc DN của họ có thể đảm nhận được không phân biệt nguồn vốn, nhất là sử dụng vốn đầu tư công. Đây là những kinh nghiệm cần nghiên cứu và phát huy tại Việt Nam và phải làm từ khâu chuẩn bị dự án, ngay sau khi bóc tách các gói thầu. Phần việc nào trong nước bảo đảm được thì chuyển qua cho các bên liên quan để theo dõi, đối chiếu và có các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Ðối với các gói thầu chưa hoàn toàn thực hiện được, cho phép đấu thầu trong nước
với điều kiện nhà thầu trong nước được liên doanh với nhà thầu nước ngoài có đủ năng lực để làm chủ công nghệ. Điều này sẽ giúp tạo nên một thị trường ổn định để các thành phần kinh tế yên tâm đầu tư chiều sâu, đáp ứng nhu cầu và quan trọng hơn là giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhà nước cần tính toán và có hỗ trợ để DN trong nước có nhiều đơn hàng, có thị trường, từ đó có điều kiện tích lũy để đầu tư phát triển, tăng cường năng lực tham gia sâu hơn vào nhiều dự án một lúc. Đồng thời, xây dựng các hàng rào kỹ thuật, chính sách khuyến khích sản xuất trong nước hiệu quả, nhưng không vi phạm các cam kết thương mại tự do mà nước ta đã ký kết...