Cẩn trọng khi đầu tư cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản

Thời gian gần đây, thị trường cổ phiếu doanh nghiệp (DN) bất động sản (BÐS) nóng lên từng ngày. Nhiều đơn vị BÐS sẵn sàng cam kết mức lợi nhuận được đánh giá vào dạng "khủng", từ 10 đến 14,5%/năm, tương đương cao gấp gần hai lần so với mặt bằng lãi suất ngân hàng thông thường. Ðây là mức lãi suất cao nếu xét trong bối cảnh thị trường BÐS khá trầm lắng hiện nay. Do đó cần có những đánh giá khách quan, thận trọng trong việc đầu tư, tránh tác động tiêu cực đối với thị trường BÐS vốn đã duy trì khá ổn định trong những năm qua.

Xét về mặt pháp lý, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa vào thị trường BÐS là bình thường, nhất là trong bối cảnh hệ thống ngân hàng ngày càng siết chặt tỷ lệ cấp vốn cho lĩnh vực này. Ðây là xu thế tất yếu nhằm giảm phụ thuộc vào kênh vay vốn ngân hàng và cũng là một cách lách hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là năng lực của các DN BÐS đứng ra huy động vốn còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, một số đơn vị chỉ có vốn pháp định vài chục tỷ đồng, thông tin về DN khá mù mờ, nhưng sẵn sàng phát hành trái phiếu DN hàng trăm tỷ đồng là không hợp lý. Ðồng thời, với mức cam kết trả lãi cao gần gấp hai, vô hình trung tạo sức ép cạnh tranh trong việc huy động vốn xã hội đối với lĩnh vực ngân hàng. Ðó là chưa kể đến việc các nhân viên tư vấn tài chính sẵn sàng vì lợi nhuận sẽ giới thiệu khả năng huy động vốn của khách hàng từ ngân hàng (an toàn hơn) sang trái phiếu DN (rủi ro hơn). Không những thế, hành lang pháp lý trong việc phát hành trái phiếu DN, trong đó có các DN BÐS, chưa hoàn thiện, thiếu sự thẩm định của phía ngân hàng sẽ tạo nhiều rủi ro hơn cho các nhà đầu tư... Tất cả những yếu tố nêu trên, xét về tổng thể, có thể gây bất lợi cho tính ổn định, bền vững của thị trường BÐS, thậm chí, có thể tạo nên hiệu ứng không tốt, nếu xảy ra sự cố.

Vì vậy, để hình thành và phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu DN nói chung và DN BÐS nói riêng, cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng. Theo đó, phía DN cần công khai, minh bạch thông tin (nguồn lực, chiến lược phát triển...), từ đó tạo cơ sở để ban hành các quy định phù hợp về khả năng huy động nguồn vốn xã hội, tránh trường hợp DN nhỏ, nhưng huy động vốn quá lớn hay hiện tượng "tay không bắt giặc", vượt quá khả năng chi trả theo cam kết. Ðiều này rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Tài chính để bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư, khắc phục tình trạng luật đi sau thực tiễn phát triển. Ðồng thời, việc "thẩm tra lý lịch" của các DN, cũng như xây dựng hệ thống thông tin chuẩn xác về thị trường BÐS cần tiếp tục được rà soát, đẩy nhanh vì thực tế đây là một trong những kẽ hở bị nhiều đối tượng lợi dụng để trục lợi bất chính. Mặc dù vậy, hiện nay nhóm trái phiếu DN BÐS vẫn có mức lãi suất cao nhất (10,4%/năm), tập trung vào các DN lớn và khoảng 20% trái phiếu BÐS được các nhóm ngân hàng mua. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần thận trọng, tìm hiểu kỹ sức khỏe DN khi đưa ra quyết định đầu tư, tránh hiện tượng đầu tư theo phong trào, góp phần giữ ổn định và phát triển thị trường BÐS bền vững hơn.