Cùng suy ngẫm

Cải cách để phục vụ người dân, doanh nghiệp

Chưa bao giờ, lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nhất là trong lĩnh vực thuế, lại được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt như hiện nay. Việc này có ý nghĩa quan trọng, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN), góp phần quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh như tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.

Một thí dụ điển hình là Bộ Tài chính ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa bảy thông tư khác, qua đó giảm được khoảng 290 giờ nộp thuế mà chẳng tốn kém gì.

Tại một số cuộc họp quan trọng gần đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt Bộ Tài chính cần đẩy mạnh công khai, minh bạch hơn nữa các chính sách, thủ tục về thuế, hải quan - những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, gây tốn thời gian, chi phí cho xã hội, cho người dân. Trong đó, Bộ phải đẩy mạnh thu ngân sách, thu thuế qua mạng, coi đây là giải pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Các thành viên Chính phủ cũng nhất trí quan điểm, nếu áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin (CNTT) trong các lĩnh vực này thì sẽ hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực. Theo Bộ Tài chính, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tính đến thời điểm ngày 1-1-2015, sau khi thực hiện quyết liệt các giải pháp, số giờ tuân thủ về thuế giảm được 370 giờ/năm. Năm 2015, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát để cắt giảm 45,5 giờ, để đạt mục tiêu 171 giờ trong năm 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính thừa nhận, công tác giải quyết những vướng mắc về chính sách, thủ tục thuế của người nộp thuế (NNT), giải đáp vướng mắc của cơ quan thuế cấp trên với cơ quan thuế cấp dưới còn chưa kịp thời. Số lượng thủ tục quá lớn, phức tạp làm ảnh hưởng thời gian của NNT. Tính đến ngày 31-12-2014, lĩnh vực thuế có 432 TTHC (bốn ở cấp tổng cục; 246 ở cấp cục thuế; 182 ở cấp chi cục thuế). Vẫn còn 24/70 quy trình quan trọng về đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, giải quyết khiếu nại về thuế... liên quan NNT chưa được sửa đổi, bổ sung một cách tổng thể, đầy đủ. Nộp thuế điện tử đối với DN kết quả còn thấp, tính đến ngày 25-3 vừa qua, mới có 40.490 trong số 488.000 DN tham gia thực hiện. Công tác cải cách TTHC thuế đối với NNT là cá nhân, hộ kinh doanh chưa đổi mới căn bản, việc tổ chức thu thuế chưa tạo thuận lợi cho người dân; ứng dụng CNTT trong quản lý thuế ở khu vực này còn hạn chế...

Nhiệm vụ cải cách TTHC thuế đối với Bộ Tài chính là hết sức nặng nề, nhất là phấn đấu đạt mức ASEAN 4 về cải cách TTHC thuế đối với ba nhóm chỉ tiêu, gồm: kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời hạn và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế. Ðể đạt được mục tiêu này, ngành thuế cần đổi mới, nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ, công chức của mình. Ðây cũng là yêu cầu cần thiết, cấp bách của việc cải cách TTHC thuế, xây dựng chế độ trách nhiệm cụ thể đối với từng vị trí công tác, xây dựng quy định về tác phong, thái độ phục vụ của công chức thuế. Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu rà soát giảm tối thiểu 10% số TTHC thuế, đơn giản hóa tối thiểu 20% số TTHC thuế; giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cục thuế, chi cục thuế về triển khai ứng dụng CNTT, bảo đảm số DN kê khai thuế điện tử đạt hơn 95%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 90% trước quý III-2015. Ðẩy nhanh ứng dụng CNTT ở cấp độ 4 (tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế qua mạng và trả kết quả hoàn thuế bằng phương thức điện tử qua mạng).

Thực hiện công khai thông tin về TTHC thuế, quy trình giải quyết TTHC thuế theo cơ chế một cửa tại cơ quan thuế và trên trang thông tin điện tử cơ quan thuế; xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ NNT. Xây dựng cơ sở dữ liệu NNT tập trung thống nhất toàn quốc; trên cơ sở đó thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế dựa trên đánh giá rủi ro, qua đó phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế, chống thất thu, chống gian lận về khấu trừ, hoàn thuế VAT. Kiểm tra công vụ và xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm nhằm chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của cán bộ thuế với người dân và DN.