Cả nước chung tay vì người nghèo

Trong suốt hơn ba mươi năm đổi mới, xóa đói, giảm nghèo được xem là một trong những thành tựu nổi bật và quan trọng của đất nước. Ðây là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Mục tiêu Thiên niên kỷ mà nước ta đã hoàn thành trước thời hạn, được Liên hợp quốc ghi nhận và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi Việt Nam là một điểm sáng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên toàn cầu.

Thực tế công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ðảng, Nhà nước, giám sát chặt chẽ của Quốc hội và chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được cộng đồng ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ. Trong nhiều năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt hiệu quả thiết thực. Trong đó, kết quả, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm mạnh từ hơn 58% năm 1993 xuống còn khoảng 5,35% theo chuẩn đa chiều vào cuối năm 2018.

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giảm nghèo bình quân mỗi năm giảm khoảng 1,55%, tương ứng với khoảng 300 nghìn hộ nghèo thoát nghèo. Tính đến cuối năm 2018, đã có tám trong số 64 huyện nghèo và 14 trong số 30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn, có 44 trong số 291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; dự kiến đến cuối năm 2019, sẽ có khoảng 20 huyện nghèo và 90 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và cũng đã có 121 xã, 1.286 thôn, bản đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Kết cấu hạ tầng ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã nghèo, huyện nghèo đã được cải thiện đáng kể; đời sống người nghèo được nâng lên, được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; nhiều gương điển hình vươn lên thoát nghèo đã được ghi nhận, phong trào viết đơn "xin ra khỏi hộ nghèo" đã và đang lan tỏa rộng khắp trên cả nước…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công cuộc giảm nghèo của đất nước còn phải tiếp tục trên một chặng đường dài. Khi kết quả giảm nghèo vẫn chưa thật sự mang tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao; chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, bởi càng về giai đoạn cuối, "lõi nghèo" càng tập trung vào vùng dân tộc thiểu số, vào các đối tượng khó có khả năng thoát nghèo.

Thực tế nêu trên đòi hỏi thời gian tới, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, các ngành cần thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động và sử dụng nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, để nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, cần thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; triển khai các mô hình việc làm gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn; các mô hình hợp tác, liên kết giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp. Ðồng thời, nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện...

Ðồng thời, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác giảm nghèo phải được chú trọng, với những đổi mới về phương pháp và cách thức, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về giảm nghèo bền vững. Ðể phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" thật sự đi vào cuộc sống, thu hút được người dân và cộng đồng xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo.

Để hưởng ứng Ngày Quốc tế chống đói nghèo, Ngày Vì người nghèo (17-10) của Việt Nam, Ban Chỉ đạo T.Ư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 phát động đợt nhắn tin "Cả nước chung tay vì người nghèo" qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400, với cú pháp: VNNn gửi 1408. Mỗi tin nhắn gửi tới sẽ là hành động thiết thực tạo thành nguồn lực hỗ trợ sinh kế cho người nghèo từng bước ổn định và vươn lên thoát nghèo trong cuộc sống.