Bước chuyển mới về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

"Bộ đôi" Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, mở ra kỳ vọng tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa cả về chất lượng và số lượng DN.

Ðiểm mới của Luật Ðầu tư là cắt giảm tới 22 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết về chấp thuận chủ trương đầu tư với cá nhân, hộ gia đình nhằm tiếp tục tinh thần tạo sự thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn và minh bạch trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ðồng thời, hóa giải nhiều xung đột pháp luật do sự chồng chéo, vướng mắc giữa các luật chuyên ngành, nhất là ở lĩnh vực xây dựng, đất đai…, vốn là nguyên nhân tạo thành điểm nghẽn trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng các dự án quy mô lớn mà nhiều địa phương, DN đang phải đối mặt. Ðể bảo đảm thu hút đầu tư nước ngoài (ÐTNN) có chọn lọc, Luật Ðầu tư hoàn thiện quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo hướng khuyến khích mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành; sửa đổi, bổ sung một số quy định về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; nâng cao tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà ÐTNN, tổ chức kinh tế có vốn ÐTNN…

Tương tự, Luật DN cũng tạo thuận lợi hơn cho DN, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, tiếp tục cắt giảm rào cản giúp DN gia nhập thị trường và thúc đẩy nâng cao năng lực quản trị công ty, bảo vệ cổ đông thiểu số. Cụ thể, DN không phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng; không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh vì Luật DN đã bổ sung quy định thiết lập cơ chế đăng ký DN qua hồ sơ điện tử nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, góp phần cắt giảm chi phí gia nhập thị trường của DN. Ðối với DN nhà nước, luật bổ sung quy định công khai hóa thông tin DN và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Ðáng lưu ý, Luật DN cũng hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản trị DN theo chuẩn mực quốc tế bằng cách quy định nâng cao cơ chế bảo vệ cổ đông tại các công ty cổ phần thông qua việc mở rộng quyền, phạm vi của cổ đông, nhóm cổ đông trong việc tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của công ty. Ðó là giảm yêu cầu về tỷ lệ sở hữu cổ phần cổ đông lớn từ 10% xuống 5%, đồng thời bỏ yêu cầu phải sở hữu cổ phần liên tục sáu tháng trở lên. Cơ chế này sẽ góp phần khuyến khích cổ đông nhỏ yên tâm, có động lực bỏ vốn đầu tư kinh doanh và hạn chế tình trạng lạm quyền, khống chế của nhóm cổ đông lớn. Ðây chính là nguyên nhân gây tranh chấp kéo dài ở một số công ty lớn, nhất là công ty gia đình như đã xảy ra gần đây, không những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, quyền lợi của cổ đông và đời sống người lao động, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của cả ngành sản xuất.

Với vai trò là hai đạo luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và hoạt động của các DN nói riêng, Luật Ðầu tư và Luật DN liên tục được hoàn thiện trong những năm qua để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh doanh trong từng thời kỳ. Nhờ đó, môi trường đầu tư kinh doanh có những chuyển biến thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng DN đạt con số hơn 750 nghìn DN đang hoạt động đến thời điểm cuối năm 2019 và thu hút đầu tư nước ngoài liên tục đạt kỷ lục mới. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sửa đổi Luật Ðầu tư và Luật DN lần này là thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các nghị quyết của Ðảng, tạo ra động lực mạnh mẽ về phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.