Cùng suy ngẫm

Biến số niềm tin

Nền kinh tế của một quốc gia hay một khu vực luôn chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Nếu xem kinh tế là một hàm số, thì đó là hàm số có rất nhiều biến số như chính sách vĩ mô, cung cầu thị trường, nhân công, công nghệ…

Trong đó, niềm tin cũng là một biến số, tuy khó định lượng, nhưng có giá trị rất lớn đối với cả nền kinh tế. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, người dân đã có niềm tin rất lớn vào quyết sách của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ dựa trên tinh thần "chống dịch như chống giặc". Cũng nhờ niềm tin mà người dân và cả xã hội gần như đồng lòng tuyệt đối vào các giải pháp chống dịch như tinh thần "chống giặc" bao đời nay của dân tộc.

Giờ đây, Việt Nam phần nào trên đà chiến thắng đại dịch, nhưng chúng ta còn một hành trình cũng rất nhiều chông gai. Ðó là vực dậy nền kinh tế bị tổn thương bởi đại dịch. Trên hành trình này, nếu giới doanh nghiệp có được niềm tin thì chắc chắn giúp lan tỏa hứng khởi để đẩy nhanh quá trình hồi phục nền kinh tế.

Chính phủ đã có nhiều quyết sách quan trọng và giờ đây, việc thực thi các quyết sách cần được triển khai nhanh chóng từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, vai trò của cấp địa phương hết sức quan trọng, vì nếu để xảy ra tình trạng "trên nóng dưới lạnh" thì các doanh nghiệp khó có được niềm tin. Thay vì thực thi kiểu "quản không được thì cấm" cho chắc, chính quyền các cấp nên đồng hành cùng doanh nghiệp, ngành nghề nào có thể hoạt động thì kích thích hoạt động song hành cùng những biện pháp phòng ngừa dịch.

Dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn xây dựng nền kinh tế thì càng khó hơn. Ðó chính là thách thức được đặt ra để thể hiện năng lực của chính quyền các cấp nhằm bảo đảm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và toàn dân nói chung. Ðơn cử, thời gian qua, giữa bao lo ngại, nhưng nhà máy của Công ty Pouyuen tại quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) với 72 nghìn công nhân chỉ tạm ngừng hoạt động hai ngày, gần như vẫn duy trì sản xuất xuyên qua mùa dịch là một thành công lớn, nhất là khi về cơ bản rủi ro dịch bệnh tại đây được kiểm soát.

Thành công này có ý nghĩa quan trọng không chỉ với một doanh nghiệp mà còn tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài về cách thức kiểm soát dịch của Việt Nam. Qua đó, chính quyền nên nhân rộng thành công từ câu chuyện nêu trên, bằng cách tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp. Thay vì bàn đến chuyện tiết giảm quy trình, đôi lúc còn nặng về hình thức để báo cáo thành tích, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp nên đột phá, táo bạo hơn nữa.

Ðó chính là cách để xây dựng niềm tin, để đưa các quyết sách của Chính phủ sớm lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp. Khi có niềm tin, thì dù không nhận được những hỗ trợ tài chính đầy đủ như yêu cầu nhưng giới doanh nghiệp sẽ vẫn có hứng khởi để tìm những lối đi sáng tạo, nỗ lực đưa nền kinh tế sớm hồi phục.