Bất cập trong quy chế chuyển nhượng môn bóng chuyền

Bóng chuyền Việt Nam đã có nhiều vụ việc tranh chấp chuyển nhượng giữa câu lạc bộ (CLB) mà mới đây nhất là chuyện lùm xùm của huấn luyện viên (HLV) trưởng CLB Ngân hàng Công thương Phạm Thị Kim Huệ và ba cầu thủ của CLB này với nhà tài trợ đội Bamboo Airways Vĩnh Phúc là Tập đoàn FLC, nơi đã trải thảm đỏ mời họ về.

Tuy nhiên, đến phút cuối, nhà tài trợ lại bị từ chối trong khi đã chuyển khoản tiền nhiều tỷ đồng theo thỏa thuận với Kim Huệ và nhóm cầu thủ.

Từ một CLB nằm trong nhóm CLB mạnh Giải vô địch bóng chuyền quốc gia, sau một năm, bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương mất hàng loạt trụ cột và có nhiều thay đổi trong ban huấn luyện. Cũng vì lẽ đó, lãnh đạo CLB Ngân hàng Công thương chỉ còn biết đặt niềm tin vào HLV trưởng Phạm Thị Kim Huệ cùng những cầu thủ trụ cột còn lại. Nhưng cũng thật bất ngờ, sau trận ra mắt trong vai trò HLV trưởng của Ngân hàng Công thương, HLV Kim Huệ lại cùng ba học trò gửi đơn xin rời CLB. Mọi sự vỡ lẽ khi Công ty cổ phần Từ thiện xã hội FLC thuộc Tập đoàn FLC bất ngờ gửi công văn đến Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Vĩnh Phúc với nội dung "Tố cáo các hành vi lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty cổ phần Từ thiện xã hội FLC" đối với các trường hợp HLV Phạm Thị Kim Huệ và các cầu thủ: Nguyễn Thu Hoài, Nguyễn Thị Ninh Anh, Hoàng Thị Phương Anh. Công văn này nhằm đề nghị cấm các cá nhân nêu trên được phép tham gia các hoạt động bóng chuyền do Liên đoàn tổ chức. Công văn cũng khẳng định HLV Kim Huệ và ba cầu thủ đã cam kết về đội bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc trong mùa giải 2021 và đã được chuyển khoản số tiền nhiều tỷ đồng theo yêu cầu của từng người, song HLV Kim Huệ và nhóm cầu thủ nêu trên đã phá thỏa thuận, từ chối về CLB Bamboo Airways Vĩnh Phúc mà không có lý do chính đáng. Như vậy, có thể hiểu, theo công văn, các bên liên quan đã đạt thỏa thuận, nhưng chưa ký hợp đồng làm việc và nhóm HLV, cầu thủ bất ngờ đổi ý không đến Bamboo Airways Vĩnh Phúc như đã hứa mà tiếp tục xin ở lại CLB Ngân hàng Công thương, nơi họ vẫn còn hợp đồng.

Trước sự vụ, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) đã ra văn bản gửi các đội bóng và Công ty cổ phần Từ thiện xã hội FLC thông báo cảnh cáo HLV Phạm Thị Kim Huệ và ba cầu thủ do hành vi ứng xử làm ảnh hưởng đến các hoạt động của bóng chuyền Việt Nam. Vào thời điểm nêu trên, bốn cá nhân đang dự vòng một Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2021 và HLV Phạm Thị Kim Huệ đã chia sẻ với báo chí không phục việc cảnh cáo của VFV và giữ quan điểm đây là thỏa thuận, chưa ký kết, cho nên không vi phạm Quy định chuyển nhượng của bóng chuyền Việt Nam. Trong khi, lãnh đạo VFV cho rằng việc cảnh cáo để nhằm khuyến cáo các đội bóng khi thực hiện các nhu cầu chuyển nhượng cầu thủ hay HLV cần tuân thủ quy định của pháp luật và Quy định chuyển nhượng mà Liên đoàn đã ban hành. Sau buổi làm việc của VFV với các bên liên quan, các khúc mắc vẫn chưa được tháo gỡ và các bên cho biết sẽ ủy quyền luật sư để tiến hành các thủ tục pháp lý.

Có lẽ đây là vụ việc khá đáng tiếc, nhưng cũng góp phần làm rõ ràng hơn tính pháp lý trong các thỏa thuận và đòi hỏi các quy định của VFV về chuyển nhượng cần chặt chẽ hơn trong quá trình phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa. Có thể thấy điều này qua phản ứng của dư luận khi cho rằng án kỷ luật cảnh cáo của VFV là thiếu căn cứ, áp đặt và trước đó là hàng loạt vụ việc chuyển nhượng gây tranh cãi nhiều năm qua của bóng chuyền Việt Nam. Ðược ban hành hơn 10 năm nay, nhưng trước sự phát triển của bóng chuyền trong nước hiện nay nhiều ý kiến cho rằng quy chế về chuyển nhượng của VFV không còn phù hợp với thực tế. Từ các quy định thiếu rành mạch như vậy đã xảy ra nhiều trường hợp "đi đêm" của các CLB khi tiếp cận, lôi kéo các HLV, cầu thủ mà không bị các chế tài xử phạt nặng như nhiều liên đoàn khác đã áp dụng. Bên cạnh đó, sự không rõ ràng cũng khiến việc thỏa thuận chuyển nhượng của HLV, cầu thủ với CLB hoặc giữa các CLB với nhau thường mang tính tự phát, không được thông báo cho nhau để đạt được sự đồng thuận giữa các bên. Thậm chí, cá nhân HLV, cầu thủ cũng không báo cáo CLB chủ quản, tự đứng ra đàm phán hợp đồng của mình trong khi vẫn đang thi đấu. Ðồng thời cũng gần như không có việc báo cáo để nhận được sự chấp thuận của Liên đoàn trong chuyển nhượng, gây khó cho hoạt động thi đấu của các giải đấu và các đội bóng, cùng những tranh cãi về bồi thường chuyển nhượng triền miên giữa các CLB và nhà tài trợ.

Vụ việc chuyển nhượng không thành của Bamboo Airways và nhóm HLV, cầu thủ của Ngân hàng Công thương đã cho thấy vai trò quản lý khá mờ nhạt, thiếu chặt chẽ về pháp lý trong các quy chế của VFV cũng như nhiều liên đoàn thể thao khác trong quá trình chuyển hướng chuyên nghiệp thời gian qua. Qua đó, đòi hỏi các liên đoàn cần đổi mới tư duy hoạt động, điều hành, đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế của các bộ môn, nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện các quy định mang tính pháp lý ràng buộc, không để xảy ra những trường hợp tranh chấp, cản trở sự phát triển của thể thao nói chung.