Bảo vệ uy tín hàng nông sản

Những ngày gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng liên tục bắt giữ nhiều lô hàng dâu tây tươi không rõ nguồn gốc vận chuyển vào TP Đà Lạt (Lâm Đồng). 

Cụ thể, tối  22-7, tại sân bay Liên Khương, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Đức Trọng phối hợp các đơn vị liên quan đã kiểm tra và phát hiện hai lô hàng, tổng cộng 313 thùng xốp chứa quả dâu tây tươi, trong đó có những hộp nhỏ in chữ nước ngoài. Trước đó, cơ quan chức năng huyện Đức Trọng cũng kiểm tra hành chính ba xe tải và phát hiện 326 thùng xốp chứa khoảng 3,5 tấn quả dâu tây. Các lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ nguồn gốc hàng hóa. Sáng 24-7, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP Đà Lạt bắt giữ xe tải chở 123 thùng xốp chứa khoảng 1,5 tấn quả dâu tây được vận chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) lên TP Đà Lạt tiêu thụ. Đây chỉ là những vụ việc điển hình về tình trạng nhập dâu tây không rõ nguồn gốc vào TP Đà Lạt bị phát hiện. 

Theo các chủ vườn, nhiều năm qua, những chuyến dâu tây không rõ nguồn gốc vẫn âm thầm nhập vào Đà Lạt, nhưng số lượng ít cho nên chưa bị phát hiện. Còn hiện nay dâu tây Đà Lạt khan hiếm, hàng nhập khẩu về ồ ạt mới gây chú ý. Điều đáng nói, trong những lô hàng bị bắt giữ, sau khi đưa mẫu đi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trong quả dâu tây  chứa hoạt chất Abamectin có hàm lượng 0,063mg/kg, vượt gấp ba lần giới hạn cho phép. Hoạt chất Abamectin được xếp vào nhóm độc 2, sử dụng quá liều lượng có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Cơ thể tích lũy hàm lượng lớn sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, hệ thần kinh và tùy tiếp xúc có thể gây kích thích da và mắt. 

Nếu người bán để nguyên nhãn mác dâu tây theo xuất xứ cho người tiêu dùng lựa chọn thì không có gì phải bàn. Tuy nhiên, theo phản ánh của các chủ vườn, giá dâu tây trồng tại Đà Lạt dao động từ 120 đến 400 nghìn đồng/kg (tùy loại), trong khi dâu tây trôi nổi trên thị trường có giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg. Vì hám lợi, nhiều tư thương, thậm chí chủ vườn dâu đã có hành vi gian lận thương mại khi trà trộn dâu tây không rõ nguồn gốc thành dâu tây Đà Lạt để bán với giá cao. Sự việc này đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, chất lượng của thương hiệu dâu tây Đà Lạt cũng như quyền lợi, sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng, gây thiệt hại kinh tế cho những nông hộ, doanh nghiệp làm ăn chân chính.  

Trước dâu tây, một số nông sản khác như khoai tây, cà rốt, cải thảo, bắp cải cũng có những hiện tượng tương tự. Sự việc này không phải chỉ riêng ở Đà Lạt mà còn xảy ra ở nhiều địa phương khác. Rõ ràng, một số người, vì lợi ích trước mắt đã cố tình tiếp tay hoặc trực tiếp trà trộn nông sản không rõ nguồn gốc thành nông sản Việt Nam. Hành động “tham bát bỏ mâm” này sẽ  gây  nhiều hệ lụy khôn lường, bởi mỗi thương hiệu nông sản chúng ta xây dựng được đều phải mất cả quá trình lâu dài, nay dễ dàng bị giảm uy tín, thậm chí mất thương hiệu do việc trà trộn những nông sản kém chất lượng.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát phương tiện vận chuyển, vựa thu mua, các quầy và điểm bán nông sản để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; thực hiện nghiêm các quy định đánh giá mức độ độc hại của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với các loại nông sản nhập khẩu;  kiên quyết từ chối những mặt hàng có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép nhập vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà vườn và những người kinh doanh chân chính cần mạnh dạn tố giác hành vi gian lận thương mại để  lực lượng chức năng điều tra, xử lý. Bản thân các doanh nghiệp, tư thương cần phải nhận thức được rằng việc làm này là sai trái, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh, chất lượng của hàng nông sản Việt Nam.