Cùng suy ngẫm

Báo động tình trạng trẻ em đuối nước

Thật đau lòng khi mỗi dịp hè về, lại liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước trẻ em thương tâm. Chỉ vì thiếu sự quản lý giám sát của người lớn, mà năm em nhỏ rủ nhau đi tắm rồi cùng chết đuối ở thị trấn Cửa Việt (Quảng Trị); hay vụ đuối nước thương tâm mới xảy ra tại huyện Hoài Ðức (Hà Nội), khi có tới ba trong năm cháu nhỏ của một gia đình tử vong khi rủ nhau ra sông Ðáy tắm; bốn trẻ ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chết đuối khi đi bắt hàu... Hay chỉ vì sự thiếu hiểu biết của người lớn, mà hai cháu bé ở Ðồng Nai bị đuối nước đã không được cấp cứu đúng cách làm một cháu tử vong, một cháu đang trong tình trạng nguy kịch...

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tình trạng đuối nước hiện đã giảm so với năm 2010, nhưng vẫn còn cao, đặc biệt là vào dịp hè. Trung bình mỗi ngày có khoảng chín trẻ em và vị thành niên bị đuối nước. Năm 2012, cả nước có hơn 3.300 trẻ em và vị thành niên bị tử vong do đuối nước. Trong đó, hơn 50% trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời do trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối... do không có người lớn đi kèm. Những con số đau lòng này đang khiến Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp mười lần các nước phát triển. Ðuối nước hiện đang là nguyên nhân gây tử vong thứ hai (chỉ sau tai nạn giao thông) trong nhóm nguyên nhân gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Nhưng đáng lo ngại là thực trạng đó diễn ra hằng năm nhưng vẫn chưa có những giải pháp hiệu quả để khắc phục.

Cần phải gióng lên những hồi chuông báo động về tình trạng đuối nước trẻ em. Ðuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người dân có ý thức. Nhưng thực tế, phần lớn trẻ em hiện nay không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Sự nhận thức không đầy đủ dẫn tới thiếu trách nhiệm, bất cẩn và sao nhãng của cha mẹ, thầy giáo, cô giáo... trong việc bảo vệ cho trẻ em. Bên cạnh đó, môi trường sống, học tập, sinh hoạt của trẻ đang thiếu an toàn. Ðã có nhiều trường hợp trẻ em tử vong do không may sa chân xuống hố, cống của một số công trình xây dựng, mà nguyên nhân là do sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của người lớn. Nhiều địa phương có nhiều sông, suối, ao, hồ... nhưng phần lớn không có rào chắn an toàn. Các phương tiện giao thông đường thủy thiếu áo phao, thiết bị cứu hộ...

Ðang trong tháng hành động vì trẻ em, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho người dân; xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em. Hãy quan tâm dạy bơi cho trẻ, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước, từng bước đưa môn bơi vào trong trường học một cách rộng rãi, đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy bơi... Phổ cập kỹ năng sơ, cấp cứu trẻ em bị đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên. Cũng cần gia tăng việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy; duy trì các hoạt động sinh hoạt hè, công tác quản lý trẻ em trong dịp hè... Mỗi gia đình hãy quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện cho các em hiểu biết, biết bảo vệ mình trong môi trường nước ngay từ khi còn nhỏ.